Cao su 'nhích' giá cuối vụ

(Baonghean) - Thị trường cao su đang “ấm” dần, tác động tích cực đến thu nhập của người trồng cao su trong tỉnh lâu nay bị “băng giá”. Mặc dù cuối vụ, nhưng người trồng cao su vẫn tích cực khai thác.

Chị Hoàng Thị Thanh, chủ vườn cao su 1 ha ở xóm 16, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) đang miệt mài thu gom mủ cuối mùa. Qua trao đổi, chị cho hay: Vườn cao su của gia đình trồng từ năm 2007, đến năm 2013 cho khai thác thì giá mủ xuống quá thấp, tiền thu hàng ngày không được bao nhiêu, nên gia đình ngừng cạo mủ. Vợ chồng đã có lần tính đến giải pháp chặt phá để trồng cây khác, nhưng nghĩ tiếc lại để vậy.

Cách đây ít tháng, gia đình chị tranh thủ khai thác mủ, tuy giá thấp nhưng cũng có thu nhập trang trải hàng ngày. Gần 1 tháng nay, Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An thu mua với giá cao hơn tháng trước, nên 1 ha cao su này, ngày nào chị cũng dành 1 buổi khai thác, được khoảng trên 30 kg mủ, mang đến công ty cán khô, bán với giá 17.000 đồng/kg, tính ra mỗi ngày chị thu về 250.000 đồng từ vườn cao su.

Tuy nhiên, theo chị Thanh, nếu diện tích cao su từ 2 ha trở lên thì phải thuê nhân công khai thác, trả cho người lao động 100.000 đồng/buổi thì chủ vườn còn ít thu nhập. Chị mong rằng, thời gian tới giá cao su cao hơn nữa để người trồng có thu nhập ổn định.

Chị Hoàng Thị Thanh, xóm 16, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) khai thác mủ cao su.
Chị Hoàng Thị Thanh, xóm 16, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) khai thác mủ cao su.

Theo ông Phan Tuấn Cường - Giám đốc Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An, từ đầu tháng 11 đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, giá cao su trên thế giới đã có chiều hướng tăng dần, đã tác động đến tình hình sản xuất cao su trên địa bàn, vì thế người trồng cao su đã dần ổn định. Cuối năm 2015, giá cao su sơ chế 21 triệu đồng/tấn, cách đây 2 tháng tăng lên 25 triệu đồng/tấn, hiện nay là 32 triệu đồng/tấn, dự báo giá cao su còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi giá mủ cao su tăng thì diện tích cao su của công ty đã giảm đi nhiều, thậm chí có 220 ha cao su lâu nay người dân bỏ bê, hoặc khai thác theo kiểu tận thu. Nguyên nhân, trước đây UBND tỉnh đã có văn bản thu hồi 220 ha cao su để bàn giao đất cho Công ty Sữa TH, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện dứt điểm. Cùng với đó, có tới 300 ha cao su bị chặt phá chuyển sang trồng các loại cây khác, do vậy diện tích cao su của công ty hiện chỉ còn gần 500 ha. 

Một số công ty đưa xe bồn đến vườn cao su thu mua mủ cho người trồng.Ảnh: Nguyên Sơn
Một số công ty đưa xe bồn đến vườn cao su thu mua mủ cho người trồng. Ảnh: Nguyên Sơn

Tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp) giá cao su cũng đang tác động tích cực đến người trồng cao su. Được biết, hiện nay công ty có 453 ha cao su, trong đó có 412 ha trong giai đoạn kinh doanh. Theo ông Hoàng Văn Minh - Giám đốc công ty cho biết: Hiện nay, công ty thu mua mủ cao su với giá 6.500 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng so với tháng trước. Với mức giá này, người trồng cao su đã có thu nhập, 1 ha cao su nếu được chăm sóc tốt, mật độ vừa phải, mỗi ngày khai thác 50 kg mủ, nếu kém cũng được 30 kg mủ/ngày, người trồng cao su đã có trên 200.000 đồng/ngày.

Song trên địa bàn có một số hộ đã phá cao su chuyển sang trồng cam. Theo ông Minh, không phải vùng đất nào cũng trồng được cam cho năng suất cao, chất lượng tốt, do vậy, người dân cần duy trì diện tích cao su đã có. Công ty cấm các hộ nhận khoán đất không được chặt phá cao su để trồng cây khác, tránh tình trạng chạy theo thị trường, thua thiệt trong sản xuất.

Còn tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Ngãi (Tân Kỳ) có 600 ha quy hoạch trồng cao su, đến thời điểm này đã trồng được 450 ha, ngoài ra đơn vị còn có 200 ha cao su tiểu điền. Hiện nay giá cao su đã tăng so với tháng trước, từ 14.000 đồng lên 16.000 đồng/kg mủ cán thô, 7.200 đồng/kg mủ nước. Giá cáo su đã có tăng, tuy nhiên thời điểm này là cuối vụ, nên sản lượng mủ cao su bà con khai thác không được nhiều.

Khai thác mủ cao su ở Nghĩa Đàn
Khai thác mủ cao su ở Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu

Dự báo, từ năm 2016 giá cao su trên thế giới “ấm” dần, đồng nghĩa với sản xuất cao su dần đi vào ổn định, do vậy Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân nên duy trì diện tích cao su đã có, tiếp tục chăm sóc, chờ khi giá mủ cao su nâng cao thì tập trung khai thác. Bởi, để trồng được cây cao su đến tuổi cho mủ phải mất 7 năm kiến thiết và cây này có độ bền khai thác trên 40 năm.

Trước diễn biến bất ổn của thị trường mủ cao su, Nghệ An đã có kế hoạch điều chỉnh diện tích cao su phù hợp với thực tế. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, diện tích cao su toàn tỉnh 17.000 ha, trong đó diện tích cao su kinh doanh 11.000 ha; định hướng đến năm 2030 vẫn ổn định diện tích. 


X.Hoàng - Q.An

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

(Baonghean.vn) - Đợt nắng nóng kéo dài liên tục những ngày vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong bị thiếu nước. Đơn vị quản lý thuỷ lợi cùng bà con nông dân phải ngăn suối để chắt nước, sử dụng máy bơm dầu dã chiến dồn sức chống hạn cứu lúa.