Ấm no xứ đạo Vạn Phần

(Baonghean) - Giáo xứ Vạn Phần, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu được xem là điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, “sống tốt đời đẹp đạo’’, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc… 

Xã Diễn Vạn có 3 km bờ biển và vùng bãi ngang rộng lớn, nơi khởi nguồn của con Sông Bùng đi qua rất thuận tiện cho việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản, làm dịch vụ thương mại, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Khai thác lợi thế này, bà con giáo dân xứ đạo Vạn Phần (với 370 hộ; 2.300 nhân khẩu) đã “bung ra” sản xuất kinh doanh, tạo lập nghề mới. Nhà thì làm bánh đa kẹo lạc, mây tre đan xuất khẩu, hộ thì làm dịch vụ nghề cá, đan lưới dệt xăm, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Gia đình nào có nhiều vốn thì mở xưởng làm mộc dân dụng, kinh doanh vật tư máy móc, hùn vốn cho con em đi xuất khẩu lao động. Gia đình ông Vũ Chính, giáo dân ở xóm giáo toàn tòng Đồng Hà là một ví dụ điển hình.
Những năm 1985 trở về trước, ông và bà con trong xóm "trăm thứ chỉ nhìn vào hạt muối, con cá" nên nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo đói triền miên. Bây giờ thì khác, được Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, cùng với Nghị quyết khóa 29 của Huyện ủy Diễn Châu về “Phát triển kinh tế vùng biển gắn với mở mang ngành nghề dịch vụ thương mại” đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con công giáo Vạn Phần. Ông Chính cho biết: "Ngôi nhà cao tầng khang trang cùng với cơ sở sản xuất và tiền nuôi 3 con ăn học đại học là nhờ ông duy trì và phát triển nghề bánh kẹo mà có!". Cơ sở sản xuất bánh kẹo của gia đình ông thường xuyên có 10 lao động, được khép kín từ khâu thu mua nguyên liệu như lạc nhân, bánh đa, đường kính, mật mía đến vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Bình quân mỗi tháng sản xuất 15 thùng kẹo, trừ chi phí và trả công cho người lao động, mỗi năm còn lãi từ 80 đến 100 triệu đồng.
Đóng chai nước mắm Vạn phần tại Công ty Cổ phần thuỷ sản Vạn Phần 	Ảnh: Văn trường
Đóng chai nước mắm Vạn phần tại Công ty Cổ phần thuỷ sản Vạn Phần Ảnh: Văn trường
Ở xứ đạo Vạn Phần còn có hàng trăm gia đình giáo dân làm giàu từ nghề sản xuất kẹo lạc. Anh Trần Văn Quyến, Chủ tịch MTTQ xã phấn khởi: "Nghị quyết phát triển kinh tế vùng biển của Huyện ủy đã mở hướng làm ăn cho bà con. Hiện tại xóm có 130 hộ làm bánh kẹo, 120 hộ khác làm mộc dân dụng và thương mại, thu hút 600 lao động có việc làm ổn định. Nay nhà nào cũng có của ăn của để, làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, không còn cảnh phải đi bán muối thuê như 4 - 5 năm về trước!". 
Đi trên con đường làng được rải nhựa, bê tông cao ráo, ngắm những ngôi nhà cao tầng soi bóng xuống dòng sông Bùng, thấy thật vui, bởi mùa xuân này không chỉ có xóm Đồng Hà khởi sắc từ nghề mà xã Diễn Vạn có thêm hai làng nghề được tỉnh và huyện công nhận là làng nghề kẹo lạc và làm mây tre đan xuất khẩu. 3 làng nghề đã tạo việc làm cho 1.700 lao động, với mức thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng người/tháng. Kẹo lạc mang thương hiệu "Vạn Phần" không những tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường trong Nam ngoài Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước bạn Lào. Nhờ vậy không những giải quyết việc làm cho lao động trong xã mà còn giải quyết cho 600 người ngoài xã đi thu mua lạc nhân làm nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.
Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, ông Hoàng Minh Long cho biết: Xã làm kỹ công tác tư tưởng, giúp nhân dân hiểu đúng đắn việc du nhập nghề mới, đưa giống cây, con năng suất cao vào gieo trồng, nuôi thả cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho bà con lương - giáo, tạo điều kiện cho bà con đi lại học tập, sản xuất kinh doanh, khám, chữa bệnh được dễ dàng thuận tiện... Đội ngũ cán bộ trưởng thôn, các đoàn thể quần chúng ở 2 xóm giáo được kiện toàn củng cố, bố trí những giáo dân trẻ khỏe có trình độ văn hóa THPT trực tiếp làm chi hội trưởng nông dân, phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên.
Nhờ vậy bà con đồng lòng, góp công sức, tiền của chung tay xây dựng quê hương. Đặc biệt xã mạnh dạn thực hiện các giải pháp phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, tạo nên những đột phá trong chương trình xây dựng NTM. Xã mở hàng chục cuộc họp ở các xóm để nhân dân thảo luận, góp ý kiến, hiến kế thực hiện chương trình đề án phát triển làng nghề, sản xuất muối sạch, đóng tàu thuyền vươn khơi xa đánh bắt cá to, cá ngon, thu mua nguyên liệu sản xuất chế biến nước mắm, làm kẹo lạc. Chỉ đạo các đoàn thể quần chúng phối hợp với các cơ quan chức năng ở huyện mở các lớp tập huấn nuôi tôm cua, làm mây tre đan xuất khẩu, sản xuất muối sạch bằng công nghệ trải bạt, đứng ra tín chấp vay hàng chục tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách cho hộ nghèo vay đầu tư sản xuất kinh doanh.
Điểm nổi bật trong xây dựng cơ sở hạ tầng là xã kịp thời đề ra chủ trương, chính sách thông thoáng, hợp lý, đúng pháp luật, với tinh thần "Nhà nước, tập thể và nhân dân cùng làm". Nhờ vậy, 5 năm qua, xã đã tiếp cận với các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung ương và tỉnh. Đầu tư hơn 200 tỷ đồng, xây dựng hơn 10 công trình lớn nhỏ, trong đó có 2 cầu bắc qua sông Bùng và kênh Vách Bắc, cải tạo nâng cấp đồng muối rộng 60 ha, xây dựng mở rộng vùng nuôi tôm, cua xuất khẩu rộng 50 ha, nâng cấp đê sông, đê biển, xây dựng trường học và trạm y tế cao tầng.
Được các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, những người công giáo kính Chúa yêu Nước ở Xứ đạo Vạn Phần, Diễn Vạn vượt khó vươn lên làm giàu, góp phần cùng với Đảng bộ và nhân dân xã nhà hoàn thành mục tiêu 5.200 tấn muối, 1.200 tấn lương thực, đánh bắt, thu mua 1.000 tấn hải sản, chế biến tiêu thụ 40 nghìn lít nước mắm, nuôi 4.500 con gia súc, 18 nghìn con gia cầm, giá trị sản xuất thủ công nghiệp làng nghề và dịch vụ hơn 100 tỷ đồng/năm. Số hộ giàu và khá chiếm 60%; hơn 80% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa”, “Gia đình Thể thao”; 7 đơn vị được tỉnh và huyện công nhận “Làng Văn hóa”, “Trường học Văn hóa”, 9/9 xóm xây dựng được nhà văn hóa và khu vui chơi giải trí, bãi tập TDTT. Toàn xã có hơn 180 hộ công giáo được suy tôn “Triệu phú nhà nông” có thu nhập từ 60 đến 130 triệu đồng hộ/năm. Hơn 360 con em giáo dân lao động ở nước ngoài và đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng đã làm đẹp thêm gương mặt một miền quê vùng biển…
Lê Hoài Trung

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.