Mưu sinh ngày áp Tết

 (Baonghean.vn) - Mới sáng sớm nhưng tại “ngã ba vòi phun” đã đông đúc kẻ đứng người ngồi, họ là những công nhân lao động hành nghề “ai thuê gì làm nấy” hơn mấy chục năm nay. Cứ đến dịp áp tết là họ lại tranh thủ đi làm thật sớm để kiếm thêm vài đồng kịp sắm cho con manh áo mới, kịp đong thêm cân nếp gói cỗ bánh chưng cho bằng người, cũng có người mong kiếm thêm chút đỉnh để ra năm “ế việc” còn có đồng mà đong gạo.

Mới 7 giờ sáng nhưng những lao động tại chợ người đã tề tựu đông đủ tại ngã ba quen thuộc. Nhưng ánh mắt lai hướng ra xa trông chờ. Tưởng chúng tôi là khách, họ ùa ra, ánh mắt háo hức: “làm chi rứa 2 o, dọn nhà hay vận chuyển vật liệu, chúng tôi xem việc rồi mới trả giá, không lo đắt mô”.

Trò chuyện với chúng tôi, họ chia sẻ: “Theo lệ thường thì cứ đến dịp cuối năm là có rất nhiều chủ nhà đến thuê dọn nhà, vận chuyển vật liệu cho những ngôi nhà còn dở dang, hay cũng có những nhà thuê bốc dỡ hàng…Thế nhưng không hiểu vì kinh tế suy giảm hay sao, mà từ mấy bữa nay không thấy không khí tết chi cả, bọn tui cứ ngồi tơ hơ, giỏi lắm ngày kiếm được vài chục bạc… ”

Mới sáng sớm lao động tại
Mới sáng sớm những lao động tại "Ngã ba vòi phun" đã tề tựu đông đủ

Chị Nguyễn Thị Phượng - công nhân của Xí nghiệp Mai Động từ những thập kỷ 80 của thế kỷ trước tâm sự "Xí nghiệp giải tán, hơn 200 công nhân mất việc mà không được nhận một đồng lương hưu hay trợ cấp gì, trôi dạt về xóm Yên Trung, Yên Khang xã Hưng Đông sinh sống. Không có ruộng vườn, đất sản xuất. Ngày qua ngày, có nhà đã hai, ba thế hệ mưu sinh với cái nghề “bán sức, đổi cơm” này".

Cũng theo chị Phượng, làm cái nghề này cũng có thời vụ, mùa xây dựng từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch hàng năm thì thường có nhiều việc hơn, vì có nhiều nhà có nhu cầu thuê thu dọn vận chuyển vật liệu, hay như mùa áp tết thường là “ngày làm tháng ăn”, “tháng làm năm ăn”. Nhưng cũng có năm, có vụ èo uột lắm, như hai ba ngày nay ngồi ế chỏng ế chơ, hết đánh bài rồi, nhổ tóc sâu tóc bạc, họa hoằn lắm mới có người thuê, công việc chia năm sẻ bảy nên cũng không được là bao.

Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì (ảnh chụp tại gian hàng nông sản tại chợ Vinh ngày 23 âm lịch)
Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì (ảnh chụp tại gian hàng nông sản tại chợ Vinh ngày 23 âm lịch)

Trong tốp lao động ở đây có nhiều người đã qua đi cái thời đong gạo từng bơ, giờ con cái lớn đã đi làm thuê, cũng kiếm được cái ăn, trong nhà chồng thì đi xây, vợ sáng sớm đã ra chợ lao động, nên tâm lý cũng thoải mái, có việc thì kiếm được đống tiền, trang trải cuộc sống, không có việc thì cũng gọi là lấy vốn mà ăn, không phải nhịn đói như xưa nữa.

Nhưng cũng có người như chị Nhung chồng tai nạn mới mất hơn năm nay, một mình chị bươn bả nuôi hai đứa con ăn học, ngày trước còn có người đỡ đần thêm thắt, nay một thân một mình chị ra chợ người, có ngày về không mà nước mắt chảy xuôi…Hay như chị Thiết, chồng ốm liệt gường, cứ sáng sớm chị đi làm trưa lại tất tả về cơm nước, tiền không kiếm được là bao, sức khỏe ngày càng suy kiệt vậy mà sáng sớm vẫn phải đạp xe ra chợ đứng, mong kiếm được đồng tiền thuốc thang cho chồng. Ngày Tết nhà người ta còn sắm sanh, nhà chị chỉ mong có chiếc bánh chưng, cúng ông bà tổ tiên mong được phù hộ cho đỡ nghèo, đỡ ốm đau bệnh tật, sang năm có nhiều người thuê, và có thêm sức lực để làm việc…

Bốc vác hàng nông sản tại chợ Vinh
Bốc vác hàng nông sản tại chợ Vinh

Trong tốp lao động có cả đàn ông, họ thường đi một tốp với nhau ai cần vận chuyển bốc dỡ họ cũng làm được, ai cần xây dựng họ cũng nhận, ai gọi xe ôm cũng đi. “Ngồi ở đây đã thành quen, trừ nhưng ngày ốm quá không lê nổi, không thì vẫn ra chợ ngồi, còn hơn ở nhà mà ăn không, nóng ruột lắm” - ông Nguyễn Đình Công ở xóm Yên Trung (Phường Hưng Đông) chia sẻ.

Những người đàn ông thường được ghép với tốp phụ nữ để làm những việc nặng như vận chuyển hàng hóa, bốc xếp dỡ gạch ngói xi măng, hay xây dựng hàng rào, công trình phụ…còn thì mạnh ai nấy làm, khách đến chọn mặt thì đi, tuyệt đối không dành việc của nhau.

Khi có khách họ ùa ra mong có việc
Khi có khách họ ùa ra mong có việc

Các chị ở đây cho biết, làm cái nghề này tiếng là không phụ thuộc ai, làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều. Thế nhưng cũng phải chịu những rủi ro đáng tiếc, như chủ nhà ra giá một đường trả tiền một nẻo, tai nạn lao động xảy ra thì chủ nhà tốt còn cho vài trăm thuốc thang còn không thì mình làm mình chịu, cũng có khi chủ nhà mất vật dụng đổi cho những người lao động tắt mắt, nhục nhã vô cùng. Làm nghề tự do này có ngày được thì phấn khởi cả tốp đi về mà lòng rạo rực nghĩ đến con cái có tiền đóng học, có thêm đồng ra đồng vào cải thiện bữa ăn. Thế nhưng cũng có ngày về không, may chỉ đủ ổ bánh mỳ ăn qua trưa…

Hối hả đạp xe theo địa chỉ mà khách đã cung cấp
Hối hả đạp xe theo địa chỉ mà khách đã cung cấp

Đang trò chuyện, các chị nhào ra cởi nón, hỏi to “ mần chi đó chị ơi, việc chi bầy tui cũng mần được…”. Sau khi khách trao đổi công việc, ngã giá, cho địa chỉ các chị tất tả phấn chấn nhấn bàn đạp lao về phía trước trong niềm hy vọng: “Ngày làm tháng ăn, tháng làm năm ăn”.

 Khánh Ly -Thanh Nga

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.