Phát huy giá trị Dân ca ví, dặm trong dòng chảy văn hóa nhân loại

Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy
(Baonghean) - LTS: Trong niềm vui không chỉ của Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, mà là của cả dân tộc Việt Nam khi dân ca ví, dặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy có bài viết tâm huyết về sự kiện này. Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 
Tiếng gõ búa quyết định ghi Dân ca ví, dặm của Việt Nam vào Danh sách di sản đại diện nhân loại của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, có ý nghĩa như là hiệu lệnh mở cánh cửa rộng lớn của nhân loại, đưa Dân ca ví, dặm của chúng ta đến với bạn bè khắp năm châu, bốn biển. Từ tiếng gõ búa này, Dân ca ví, dặm chính thức hòa vào dòng chảy văn hóa nhân loại, vị thế hình ảnh của đất nước, quê hương xứ Nghệ được nâng lên một tầm cao mới để rồi chúng ta thực sự cùng cả thế giới chung tay gìn giữ, phát huy di sản. 
Chúng ta thật tự hào về những câu hò, điệu ví của quê hương đã trường tồn trên mảnh đất lắm nắng, nhiều mưa. Và càng quý trọng hơn khi vùng quê xứ Nghệ tiếng nói vốn nặng âm nhưng rõ lời, nghe như “trọ trẹ” mà câu hát quê hương lại mượt mà, sâu lắng, thao thiết thủy chung, chân chất, gần gũi, đầy ắp nghĩa tình. Một số nhà nghiên cứu văn hóa đặt câu hỏi rằng: Phải chăng, do cuộc sống của người dân xứ Nghệ vất vả nên luôn mong muốn và hướng tới những điều tốt đẹp và đã gửi gắm vào trong câu ca, điệu hò? Đó – có thể nói như là một đặc trưng của dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo từng nhận xét: "Ấn tượng của Dân ca Nghệ Tĩnh là sâu lắng, nhiều lúc khắc khổ gập ghềnh nhưng tình cảm lại lắng sâu, giàu chất trữ tình. Nếu nghe được những điệu hò lao động trong Dân ca xứ Nghệ thì thấy được niềm lạc quan. Ví dụ trong hò kéo gỗ, hò đẩy thuyền… đều hiện lên tính cách con người xứ Nghệ: tuy vất vả, cực nhọc nhưng lại đầy lạc quan".
Chất chứa bên trong những câu ví, điệu hò, lời dặm là tình cảm sâu nặng, trách nhiệm, thủy chung như trong hò leo núi: Em nghe tin anh đau đầu chưa khá/ Em băng ngàn bẻ lá anh xông/ Làm sao cho đáng đạo vợ chồng… Hay như lời ca trong Giận mà thương: Em yêu anh cha mẹ đánh trăm roi/ Chứ xong rồi, em đứng dậy/ Mà em quyết tâm thương chàng… Trong thực tế, dân ca ví, dặm được các tầng lớp nhân dân sáng tác, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với từng giai đoạn. Bởi vậy, chúng ta có thể nhận thấy những cách nói trau chuốt, mượt mà, ý nhị, mang những giãi bày mộc mạc nhưng cũng “rất Nghệ” trong đó, đã tạo nên sự độc đáo, riêng biệt nhưng cũng rất chung của ví, dặm Nghệ Tĩnh. Theo thời gian, có những thăng trầm, nhưng kho tàng phong phú của Dân ca ví, dặm luôn được các thế hệ người Nghệ lưu truyền.
Sự bền bỉ của điệu hò, câu ví Nghệ Tĩnh là chính bởi nó được sáng tạo, chắt lọc từ cuộc sống lao động. Có thể nói, ví dặm Nghệ Tĩnh chứa bên trong những đặc điểm, đặc trưng độc đáo của lối tư duy, quan điểm thẩm mỹ, phẩm chất người Nghệ, đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, thái độ đối với cái thiện, cái ác, hoặc bày tỏ nỗi niềm nhân thế... của một vùng địa lý - dân cư. Chúng ta có thể bắt gặp trong đó khung cảnh của làng quê với cây đa, giếng nước, sân đình, cánh đồng mùa gặt, hay những buổi quay tơ, dệt vải, những lời răn dạy của cha ông, những triết lý sống tạo nên nền tảng đạo đức, trong tình yêu đôi lứa, trong khói lửa đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Chính những câu ca, điệu hò đó đã động viên nhân dân, chiến sỹ tăng cường khối đoàn kết dân tộc, hun đúc tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu. Đó cũng là một trong những yếu tố làm cho Dân ca ví, dặm trường tồn với thời gian và cũng là một trong những lý do để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Các đại biểu quốc tế chúc mừng đoàn Việt Nam khi Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa  phi vật thể đại diện của nhân loại. 	Ảnh: N.T
Các đại biểu quốc tế chúc mừng đoàn Việt Nam khi Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: N.T
Chúng ta tự hào khi Dân ca ví, dặm được cả thế giới tôn vinh, thể hiện được sức sống mãnh liệt, lâu bền và sự hội nhập văn hóa thế giới đầy ấn tượng. Nhưng điều đó cũng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong công tác gìn giữ, phát huy giá trị dân ca trong thời kỳ mới. Qua nhiều giai đoạn, do chiến tranh cũng như những đổi thay của xã hội, kho tàng Dân ca ví, dặm phần nào bị mai một. Những công trình nghiên cứu trước đây của PGS Ninh Viết Giao - người đã gắn bó nhiều năm với công việc sưu tầm và nghiên cứu Dân ca ví, dặm, từng chỉ ra: “Kho tàng Dân ca ví, dặm trước đây rất phong phú, từ lịch sử hàng trăm năm, đã có biết bao lời hát được cất lên, nhưng cũng chính vì hình thức của Dân ca ví, dặm là ứng đáp trong đời sống lao động nên có rất ít tài liệu ghi lại trọn vẹn tất cả những câu hát này. Cũng bởi hình thức lưu truyền là truyền miệng nên hiện nay, những lời hát ví, dặm còn lại chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng vốn rất phong phú của Dân ca ví, dặm xứ Nghệ”. 
Nhiều nhà nghiên cứu Dân ca ví, dặm tâm huyết như Lê Hàm, Thanh Lưu, Đỗ Bảo, Nguyễn Đổng Chi… cũng cho rằng, những câu hát dân ca ví, dặm hiện đang lưu truyền chỉ là số ít so với nguồn dân ca ví, dặm trước đây. Như vậy, đặt ra cho chúng ta nhiều việc cần làm trong công tác sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn, phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật này. Nhưng chúng ta tự tin hơn khi dân ca ví, dặm đã được cả thế giới công nhận là Di sản và có thể kỳ vọng nhiều hơn vào sự phát triển của Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh khi có nhiều nhạc sỹ đương đại đang lấy đó làm chất liệu để sáng tác nhiều bài hát đi vào lòng người, như các ca khúc: Xa khơi, Chào em cô gái Lam Hồng, Cô dân quân làng Đỏ, Trông cây lại nhớ đến Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Hương cau vườn Bác, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Thương về xứ Nghệ, Giận mà thương, Dòng sông đa tình,… Điều đó khẳng định tầm ảnh hưởng của Dân ca ví, dặm đối với nền âm nhạc đương đại và là nền tảng quan trọng để Dân ca ví, dặm tiếp tục lan tỏa trong cuộc sống hôm nay và mãi mai sau…
Từ trước tới nay, ở nhiều địa phương, nhân dân đã thành lập nhiều Câu lạc bộ dân ca. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, Nhà hát Dân ca được đổi thành Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ đã góp phần quan trọng trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị của Dân ca ví, dặm. Theo đó, các câu lạc bộ hoạt động ngày càng có chiều sâu với nhiều hình thức diễn xướng ở các xóm, làng. Đến nay, theo thống kê của Sở VH-TT & DL, trên địa bàn tỉnh đã có 82 CLB dân ca ở các địa phương, với trên 1.600 nghệ nhân. Cùng với đó, chúng ta còn tổ chức dạy hát dân ca trong trường học (từ 2008), trên các phương tiện thông tin truyền thông, làm cho Dân ca ví, dặm tiếp tục lan truyền trong cộng đồng dân cư. Trong giai đoạn mới, để tiếp tục phát huy giá trị Dân ca ví, dặm, đòi hỏi các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hoạt động của các CLB dân ca; quan tâm, động viên đội ngũ nghệ nhân ở cơ sở, bởi chính họ là những hạt nhân quan trọng nắm giữ làn điệu và trao truyền, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân tại các địa phương.
Để Dân ca ví, dặm trường tồn, chúng ta cần làm cho nó xuất hiện thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc, trong nhiều không gian, thời gian. Điều này, đòi hỏi Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ và ngành VH-TT & DL cần đóng vai trò trung tâm, nòng cốt trong đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá Dân ca ví, dặm dưới nhiều hình thức. Bên cạnh nghiên cứu, sưu tầm và dàn dựng sân khấu hóa dân ca ví, dặm, là tăng cường hướng dẫn, xây dựng hệ thống mạng lưới CLB dân ca ở các địa phương. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất để bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca ví, dặm trong cộng đồng dân cư và đúng với bản chất của dân ca, được thực hiện song song với kết nối các địa phương trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều cuộc giao lưu, quảng bá, giới thiệu sâu rộng Dân ca ví, dặm đến với nhân dân cả nước. Hằng năm, cần lập hồ sơ kiểm kê di sản, hồ sơ các nghệ nhân trình các cấp xem xét phong tặng danh hiệu; phối hợp với các ban, ngành nghiên cứu các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca; hỗ trợ các CLB hoạt động và có phương án đào tạo thế hệ người hát dân ca kế cận.
Ở khía cạnh khác, ngành VH-TT & DL cần đẩy mạnh kết nối, hợp tác với các đơn vị lữ hành du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu khách du lịch đến với các địa điểm có những khu di tích và các câu lạc bộ dân ca; xây dựng và có chiến lược, chính sách kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đầu tư khai thác tiềm năng, kho tàng vô giá còn tiềm ẩn trong những câu dân ca ví, dặm. Thông qua đó, để du khách thưởng thức những làn điệu dân ca ví, dặm hấp dẫn ở những không gian mở của khung cảnh làng quê, bến nước, sân đình... cả bằng hình thức trực tuyến (xem trực tiếp tại địa phương) lẫn hình thức là một “đặc sản” riêng có khi về với xứ Nghệ (quà lưu niệm là những đĩa CD; in ấn tuyển tập những làn điệu dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh; đồ chơi, đồ dùng có gắn nhạc, hình ảnh về dân ca ví, dặm ...). Có sự phối hợp với các ngành, địa phương và các đoàn thể tích cực khuyến khích tổ chức các hoạt động hát dân ca bằng hình thức liên hoan, thi hát dân ca ví, dặm cho mọi lứa tuổi; tăng cường trao đổi, giao lưu với các ngành, địa phương, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để cùng duy trì, phát triển tốt “đặc sản” dân ca ví, dặm của 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh.
Được ví như ở giữa hai đầu đòn gánh của đất nước, Nghệ An và Hà Tĩnh là mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt, kinh tế - xã hội đang thời kỳ phát triển, cuộc sống người dân các vùng miền còn nhiều khó khăn. Nhưng trong đó, vẫn sáng lên niềm tự hào về kho tàng dân ca ví, dặm được cả thế giới tôn vinh. Có thể khẳng định, vùng “núi Hồng, sông Lam”, mạch nguồn dân ca ví, dặm đã, đang và sẽ chảy mãi không ngừng, như câu ca: Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước/ Thì đó với đây mới hết tình... Ấy cũng là thông điệp, là văn hóa, là cốt cách của người Nghệ trong cuộc sống xưa nay và mãi mãi về sau.
Trong lộ trình bảo tồn, phát huy Dân ca ví, dặm, tỉnh ta đã phê duyệt “Đề án xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ” tại Số 77, đường Nguyễn Du, phường Trung Đô, TP. Vinh. Mục đích là xây dựng cơ sở vật chất của Trung tâm nhằm đảm bảo đủ điều kiện làm việc và là một công trình trọng điểm văn hóa mang tính dân tộc vừa có tính thời đại, với phong cách kiến trúc truyền thống giàu bản sắc riêng của khu vực Bắc Trung bộ, bao gồm hệ thống các công trình: Rạp biểu diễn, các phòng tập, phòng bá âm, phòng đào tạo, tập huấn, phòng lưu trữ bảo tồn, phòng đọc và ghi hình, phòng giao dịch quảng bá văn hóa nghệ thuật sân khấu với cộng đồng. Khi đưa vào hoạt động, công trình sẽ phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, thể nghiệm, bảo tồn và phát huy vốn Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, phổ cập và quảng bá Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh trong đời sống văn hóa quần chúng, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa độc đáo của xứ Nghệ. Công trình này, bên cạnh phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh cần kết nối với các tua tuyến du lịch để giới thiệu cho du khách đến thưởng thức các làn điệu dân ca ví, dặm. Để làm tốt điều đó, đòi hỏi Sở VHTT & DL và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ phải xây dựng chiến lược bài bản, cụ thể.

HĐP

tin mới

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

(Baonghean.vn) - Dẫu tương lai phía trước còn rất mịt mờ nhưng bằng tình thương, sự động viên của cộng đồng và sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, trên những gương mặt xám nghoét vì thiếu máu, vì chạy thận lâu ngày, tôi vẫn thấy nụ cười luôn toả nắng...

Họp

UBND tỉnh Nghệ An họp và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

(Baonghean.vn) - Chiều 15/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về các nội dung: Chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; đặt tên đường trên địa bàn thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc; họp Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh.

Bác Hồ

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ

(Baonghean.vn) - Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài của đất nước, vị Cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, không chỉ người dân Việt Nam mà khắp thế giới đều ngưỡng mộ Người. Những ai từng được gặp gỡ, làm việc bên Bác đều xem đó là may mắn và niềm vinh dự theo suốt cuộc đời…

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

(Baonghean.vn) - Để hiểu hơn về những nỗ lực của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong việc đồng hành với các em thiếu nhi làm theo lời Bác dạy, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An.

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã nghèo Huồi Tụ, Kỳ Sơn

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), vừa qua, Viettel Nghệ An triển khai chương trình "Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương" tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 1, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

(Baonghean.vn) - "Bệnh sợ trách nhiệm" là tiêu đề bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản; được nhắc đến trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

(Baonghean.vn) - Chiều 13/5, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đối với trẻ em bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ”.

Tạo sức bật trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn

Tạo sức bật trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Ngày10/5, Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện một số chỉ tiêu gắn với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Kỳ Sơn.

Chương trình 'Mẹ đỡ đầu'- cầu nối yêu thương dành cho trẻ mồ côi

Chương trình 'Mẹ đỡ đầu'- cầu nối yêu thương dành cho trẻ mồ côi

(Baonghean.vn) - Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhiều trẻ em ở huyện Tương Dương đã lâm vào hoàn cảnh mồ côi, có nguy cơ phải nghỉ học. Tuy nhiên, sự thiệt thòi của các em đã được bù đắp bằng tình thương, trách nhiệm của những người đỡ đầu qua Chương trình “Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương”.