Vượt qua bất hạnh bằng tình yêu biển cả

(Baonghean) - Bị nhiễm trùng rồi viêm tắc động mạch, phải lần lượt cắt bỏ cả hai chân nhưng ông Lê Văn Xuân (SN 1962) ở khối Hồng Hải, xã Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) vẫn vươn khơi bám biển làm giàu và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Là con trai thứ 3 trong một gia đình ngư dân có 8 anh em, cũng giống như bao chàng trai miền biển khác, từ nhỏ cậu bé Lê Văn Xuân đã quen với vị mặn mòi của biển cả. Lên 14 tuổi, Xuân đã được bố cho vươn khơi. 18 tuổi, Xuân được chuyển vào hợp tác xã tàu biển Hồng Hải và làm thợ máy. Trong một lần ra khơi, thuyền bị hỏng máy, Xuân bước xuống khoang chứa máy móc để kiểm tra, chẳng may anh dẫm vào một chiếc đinh lâu ngày bị ô xi hóa.

Khi đó, vì nghĩ rằng chỉ là vết thương nhẹ nên Xuân chủ quan, tiếp tục ra khơi. Không ngờ, càng ngày vết thương ở chân của anh càng nặng rồi bị nhiễm trùng, Xuân được đưa ra Bệnh viện Phong – Da liễu Quỳnh Lập điều trị. Nằm viện suốt 6 tháng trời nhưng không khỏi, bàn chân của Xuân càng ngày càng bị đen bầm và tới năm 1986 phải cắt chân tới sát đầu gối.
Chủ tàu Lê Văn Xuân (ngoài cùng bên phải) cùng các thuyền viên  trên con tàu của mình.
Chủ tàu Lê Văn Xuân (ngoài cùng bên phải) cùng các thuyền viên trên con tàu của mình.
Từ một người lành lặn, lại là trụ cột gia đình bỗng chốc thành người tàn phế, với Xuân đó là một nỗi đau đớn khó diễn tả bằng lời. Hằng ngày, anh phải tự đứng lên trên chiếc nạng gỗ. Nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó, Xuân bị viêm tắc động mạch, đau nhức khắp cơ thể. Khi lên cơn đau quằn quại, các bác sỹ đã tiêm cho anh một loại thuốc giảm đau có chất gây nghiện tên là Morphine. Xuân còn tiết lộ, ngày ấy người dân vùng biển hầu như nhà nào cũng có một lượng ma túy phòng khi ốm đau. Nhà Xuân cũng vậy. Mỗi lần lên cơn đau nhức, Xuân thường dùng ma túy. Khi vươn khơi đánh cá, Xuân còn mang theo cả “nàng tiên nâu” nấu lên để tiêm nhằm xoa dịu đau đớn, cứ như vậy, anh nghiện từ lúc nào không hay.
Từ khi Xuân nghiện ngập, gia đình kiệt quệ. Nhìn vợ con nheo nhóc, Xuân càng thương và anh quyết tâm cai nghiện tại nhà. Những lúc lên cơn, anh bảo vợ con trói mình lại và cấu véo khắp nơi trên cơ thể. Bao lần anh thèm thuốc là bấy nhiêu lần anh đau nhói, nhưng vì vợ con, anh vẫn quyết tâm đoạt tuyệt với “nàng tiên nâu”. Và rồi, anh cai nghiện thành công.
Máu khó lưu thông, chân còn lại của Xuân càng ngày càng teo tóp và cuối cùng cũng phải cắt bỏ. Những ngày đầu mất cả đôi chân, với Xuân thật khó khăn, cực nhọc. Không còn đôi bàn chân để di chuyển, Xuân gắng tập đi bằng được trên 2 đầu gối. Thời gian đầu tập luyện đôi đầu gối của anh tứa máu nhưng anh không từ bỏ. Cuối cùng, Xuân đã tự đứng lên trên đôi đầu gối của mình và di chuyển được khắp nhà. 
Gượng dậy khi gia tài khánh kiệt và đôi chân không còn lành lặn, Xuân thấy mình có lỗi với vợ con. Anh quyết tâm làm lại từ đầu. Anh quyết định vay mượn và sắm luôn tàu riêng với giá 85 triệu đồng để ra khơi. Thấy Xuân tàn tật sắm tàu và quyết ra khơi, người dân xung quanh cảng biển Hồng Hải bán tín, bán nghi. Liệu người đàn ông đi đâu phải nhờ vợ cõng, con bế ấy làm được gì giữa muôn trùng sóng bể? Nhưng Xuân đã làm được điều tưởng chừng như không thể ấy. 
3 năm đầu với chiếc tàu mới và bằng kinh nghiệm của một người hàng chục năm ra khơi vào lộng, chủ tàu Nguyễn Văn Xuân làm ăn phát đạt. Hầu như chuyến ra khơi nào, anh cũng trúng quả và trang trải hết nợ nần. Tuy vậy, tới năm thứ 4, anh nghiện trở lại và đành phải bán tàu, bán lưới... bao tiền của bay theo khói thuốc phiện. Thời gian này, tuy nghiện ngập nhưng lúc nào Xuân cũng nghĩ về biển khơi, khát khao, mong ngóng được lái thuyền đánh cá. Đầu năm 2000, anh cùng em trai thứ 6 hùn vốn mua và hoàn thiện con tàu 72 mã lực với giá 100 triệu đồng. Có tàu mới, đang làm ăn thuận lợi thì trong một lần ra khơi, tai họa giáng xuống gia đình anh khi người em trai của anh đã một đi không về. “Khi ấy sóng to, gió lớn lắm, tui đang cầm tay lái, em trai tui đang đứng ở mạn tàu chưa kịp vào trong thì chẳng may bị gió đẩy xuống biển, vì tính mạng của anh em trên tàu mà tui đành bất lực nhìn em mình bị sóng cuốn trôi”.  Năm 2002, Xuân đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” và tự nhủ mình sẽ chăm chỉ làm việc thêm cả phần người em trai xấu số. 
Năm 2009, nhờ làm ăn thắng lợi nên Lê Văn Xuân đã bán tàu cũ và sắm chiếc tàu mới trị giá 1,7 tỷ đồng với công suất 200 mã lực. Một năm, tàu của ông có khoảng 20-25 chuyến ra khơi. Người chủ tàu ấy kể rằng, suốt hàng chục năm trời, ông không được đón giao thừa bên vợ con. Và hàng ngày, hình ảnh người vợ cõng chồng lên thuyền khiến người dân xóm biển ai cũng thán phục đức hy sinh, tảo tần của bà Linh (vợ ông Xuân). “Anh ấy đã bệnh tật mà vẫn gắng theo nghề, là người vợ như tui thì cũng chỉ biết động viên, an ủi chồng mình chứ làm răng được. Cứ mỗi lần anh ấy ra khơi, tui ở nhà cũng mất ăn, mất ngủ vì lo lắng cho chồng, chỉ đến khi tàu cập bến mới có thể thở phào nhẹ nhõm được”, bà Linh, tâm sự.
Người vợ chủ tàu tật nguyền không lo sao được vì mỗi khi trái gió trở trời, bệnh viêm tắc động mạch vẫn hành hạ anh Xuân. “Nhiều lúc trời lạnh đi không được, chán và muốn bỏ nghề nhưng vì nghĩ đến vợ con cùng gia đình các thuyền viên của mình  ở nhà đói khổ nên lại tiếp tục ra khơi”, anh Xuân tâm sự.
Không những trang trải hết nợ nần, xây được nhà cửa khang trang, chủ tàu tật nguyền còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 thuyền viên với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Hơn 20 năm trời cầm vô lăng vươn khơi đánh cá, đối mặt với bao hiểm nguy, cực khổ, nhưng bằng nghị lực phi thường và tình yêu nghề cá đã giúp ông chiến thắng trước những cuồng phong của biển cả. 
Bài, ảnh: Duy Ngợi

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…