Ông Trump nói 'xung đột lớn' với Triều Tiên hoàn toàn có thể xảy ra

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/4 nói rằng “một cuộc xung đột lớn” với Triều Tiên hoàn toàn có khả năng xảy ra, trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng vẫn chưa hạ nhiệt.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

“Có khả năng chúng tôi sẽ phải kết thúc bằng một cuộc xung đột lớn với Triều Tiên. Hoàn toàn có thể như vậy”, Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại Phòng Bầu Dục nhân sự kiện 100 ngày cầm quyền của ông ở Nhà Trắng vào ngày 29/4 tới.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết ông vẫn muốn giải quyết cuộc khủng hoảng vốn làm đau đầu nhiều đời tổng thống Mỹ bằng các biện pháp hòa bình. Đây cũng là lộ trình mà chính quyền mới của Mỹ đang theo đuổi, trong đó tập trung vào các biện pháp cấm vận kinh tế với Triều Tiên, thay vì triển khai phương án quân sự.

“Chúng tôi mong muốn giải quyết vấn đề (Triều Tiên) theo cách ngoại giao nhưng chuyện này rất khó khăn”, ông Trump nói.

Khi được hỏi về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump nói ông đang xem xét vấn đề Triều Tiên dựa trên giả định rằng ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo lý trí. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng ông Kim đã thừa kế đất nước từ người cha của mình từ khi ông còn quá trẻ.

“Ông ấy mới 27 tuổi khi cha qua đời và phải tiếp quản cả một chính quyền. Dù nói thế nào đi chăng nữa thì đó cũng không phải việc dễ dàng gì, đặc biệt là ở độ tuổi đó. Tôi không khen ngợi ông ấy là tốt hay không, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng đó là công việc rất khó khăn. Còn về việc liệu ông ấy có phải là một người lý trí hay không, tôi sẽ không bình luận tới. Tôi hy vọng ông ấy lý trí”, Tổng thống Trump nói thêm.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump đã ca ngợi sự hỗ trợ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

“Tôi tin rằng ông ấy (Chủ tịch Tập Cận Bình) đã rất cố gắng. Ông ấy chắc chắn không muốn chứng kiến sự hỗn loạn cũng như chết chóc. Ông ấy không muốn thấy điều đó. Ông ấy là một người tốt và tôi đã hiểu nhiều về ông ấy", ông Trump nhấn mạnh.

Những phát biểu trên của Tổng thống Trump được đưa chỉ một ngày sau khi các cố vấn an ninh cấp cao của ông báo cáo với các nghị sĩ Mỹ về mối đe dọa từ Triều Tiên, và một ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chủ trì phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm áp đặt lệnh trừng phạt mạnh tay hơn với Triều Tiên, trong một nỗ lực nhằm kiềm chế quốc gia này.

Chính quyền của Tổng thống Trump ngày 26/4 tuyên bố Triều Tiên "là một mối đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại". Nhà Trắng cho biết sẽ tập trung vào việc gây sức ép về kinh tế và đối ngoại với Triều Tiên, bao gồm hợp tác với Trung Quốc để kiềm chế Bình Nhưỡng, song vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán cho các bên.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng tấn công quân sự Triều Tiên vẫn là một phương án mà Mỹ cần tính đến dù viễn cảnh này không mấy sáng sủa. Thực tế, Mỹ đã đưa sân bay USS Carl Vinson và tàu ngầm hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên để phô diễn sức mạnh và phát tín hiệu cứng rắn tới Bình Nhưỡng. Reuters cho rằng bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ cũng đều mang lại những rủi ro nếu Triều Tiên triển khai phương án trả đũa quyết liệt và gây thương vong lớn, không chỉ tại Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn cho chính lực lượng của Mỹ.

Theo Dân trí

tin mới

Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi?

Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi?

(Baonghean.vn) - Fox News cho rằng, Nga và Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở châu Phi. Theo đó, Nga đang tạo ra sức ảnh hưởng về mặt chính trị, còn Trung Quốc thâm nhập về kinh tế. Đây không chỉ là lời cáo buộc từ các đối thủ chính trị của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mà là thực tế. 

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Belousov mang lại gì cho Nga?

Thay chỉ huy cao nhất của quân đội, Tổng thống Putin tính toán gì?

(Baonghean.vn) - Giới phân tích quân sự cho rằng, việc bổ nhiệm ông Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng là một quyết định “đặc biệt thành công”, bởi ông có tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận phi tiêu chuẩn để giải quyết một loạt các vấn đề phức tạp và cấp bách nhất, nếu muốn giành chiến thắng.

Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc trong các ngày 16 - 17/5

Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc trong các ngày 16 - 17/5

(Baonghean.vn) - Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi tái đắc cử tổng thống Nga, và như Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov nói trước đó, sẽ là "bước đi tương ứng với chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra vào năm ngoái sau khi ông tái đắc cử".

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật sự chia rẽ của châu Âu, trước khi Tổng thống Putin thăm Bắc Kinh

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật sự chia rẽ của châu Âu, trước khi Tổng thống Putin thăm Bắc Kinh

(Baonghean.vn) - CNN nhận định, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cùng với thông điệp nêu bật sự chia rẽ trong lòng "lục địa già", rằng: bất chấp những mâu thuẫn với phần lớn lục địa, Trung Quốc vẫn thiện cảm ở một số quốc gia châu Âu.