Chưa chú trọng tiêm phòng cho đàn vật nuôi

(Baonghean) - Theo thông tin từ Chi cục thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản ổn định. Tuy nhiên, vào mùa thu và mùa đông tới, nguy cơ dịch bệnh với vật nuôi xảy ra cao, bởi tỷ lệ tiêm phòng ở các địa phương còn thấp. 

Nghệ An có tổng đàn vật nuôi lớn nhất nước, những năm gần đây, tổng đàn vật nuôi ổn định và chuyển dịch phân bổ theo vùng, miền, chất lượng giống đàn trâu, bò, lợn được cải tiến nâng cao, nhờ đó tổng sản phẩm, giá trị thu nhập chăn nuôi tiếp tục tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2015, công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi tiến độ còn chậm. Hiện nay, thời tiết đang vào giai đoạn nắng nóng nên nguy cơ xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm long móng (LMLM), bệnh cảm nắng…
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, tỷ lệ tiêm phòng một số loại vắc-xin tại các địa phương còn quá thấp, đặc biệt là tiêm vắc-xin tụ huyết trùng lợn chỉ đạt 30,7% KH, vắc-xin phòng dịch tả lợn đạt 37% KH, vắc-xin phòng dại chó đạt 32,9% KH. Riêng vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm hầu hết các hộ chăn nuôi chưa chủ động mua để tiêm. Một số loại vắc-xin như: Tai xanh, LMLM giá cao, người chăn nuôi chưa chi phí mua, vẫn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. 
Cán bộ thú y huyện Hưng Nguyên tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng cho bò.
Cán bộ thú y huyện Hưng Nguyên tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng cho bò.
Một trong những khó khăn nhất hiện nay trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi là chính quyền nhiều địa phương thiếu sự quan tâm, chưa chỉ đạo kiên quyết trong công tác tiêm phòng, còn khoán trắng việc này cho ngành Thú y. Xã miền núi Nghĩa Hành (Tân Kỳ), có địa bàn chăn nuôi rộng, cùng với trồng rừng thì chăn nuôi được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương nhưng tỷ lệ tiêm phòng của xã rất thấp, cụ thể như vụ xuân 2015, tiêm vắc-xin phòng tụ huyết trùng trâu, bò đạt tỷ lệ 30%, đàn lợn đạt gần 10%, đàn gia cầm chủ yếu không tiêm phòng.
Ông Võ Trọng Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hành, chia sẻ: Mặc dù Đảng ủy đã chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án chăn nuôi và kế hoạch tiêm phòng nhưng quá trình triển khai thiếu kiên quyết, lâu nay xã còn giao phó cho các xóm và ngành Thú y, kết quả cao, thấp từng xóm, từng hộ chưa được xử lý cụ thể sau mỗi vụ tiêm. 
Tân Kỳ là địa phương miền núi, có tổng đàn trâu bò gần 46 ngàn con, đàn lợn trên 47 ngàn con, đàn gia cầm trên 776 ngàn con. Toàn huyện có 40 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp đạt chuẩn theo quy định. Nhiều năm trước, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số ổ dịch LMLM, tai xanh gây thiệt hại trong chăn nuôi. Đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn cũng xảy ra dịch LMLM trên một số vật nuôi tại xóm Tân Lập, xã Đồng Văn. Nguyên nhân do người dân chưa tiêm phòng dịch cho đàn vật nuôi.
Ông Lê Đức Tình, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tân Kỳ, cho biết: Toàn huyện hiện có 89/266 xóm được hưởng chế độ hỗ tiêm phòng vắc-xin nhưng lượng vắc-xin này chỉ đáp ứng khoảng 20 - 25% tổng đàn (tùy từng xã), còn lại dân phải tự mua. Do đặc thù chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ, nhiều xã chưa xây dựng được cơ chế tiêm phòng nên tỷ lệ tiêm phòng còn thấp. Vụ xuân năm 2015, tiêm vắc-xin phòng bệnh trên đàn trâu bò chỉ đạt 60%, vắc-xin cho đàn lợn đạt 10 - 15% tổng đàn, còn đàn gia cầm dường như không tiêm. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều huyện.  
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết thêm: Đến nay, lượng vắc-xin phòng tụ huyết trùng trâu, bò, tụ huyết trùng lợn được Nhà nước cấp cho 11 huyện miền núi mới đáp ứng được 30% số lượng đối tượng vật nuôi cần tiêm. Đa số các huyện đang gặp khó khăn trong công tác huy động người dân đầu tư mua vắc-xin tiêm phòng cho vật nuôi, nhất là các huyện đồng bằng.
Một vấn đề đặt ra không kém phần quan trọng trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đó là các địa phương chưa triển khai xử lý vi phạm hoặc xử lý chưa nghiêm, dẫn đến công tác tiêm phòng cho vật nuôi đạt tỷ lệ thấp. Ông Nguyễn Hữu Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tân (huyện Hưng Nguyên) thừa nhận: Nghị định 119/CP đã quy định chức năng, thẩm quyền của các cấp ngành từ xã trở lên được xử lý vi phạm trong tiêm phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành tiêm phòng cho gia súc, gia cầm rất khó, dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng chưa cao.
Theo khuyến cáo của ngành Thú y tỉnh thì năm nay, điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho sức đề kháng của con vật yếu, gia tăng mầm bệnh trong gia súc và môi trường, đặc biệt bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, lợn, dịch cúm gà bùng phát, dễ dẫn đến tỷ lệ chết cao, đặc biệt trên các đối tượng vật nuôi chưa được tiêm phòng triệt để. Thời điểm tiêm phòng vụ thu sắp tới diễn ra trong điều kiện thời tiết chuyển mùa mưa nên tỷ lệ và chỉ tiêu tiêm phòng theo dự báo sẽ khó đạt hơn vụ xuân. Để tạo hiệu quả cho công tác tiêm phòng vụ thu cho đàn vật nuôi, trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn chế, nhiều địa phương cần năng động đưa ra chính sách phù hợp, hỗ trợ kinh phí xây dựng mạng lưới thú y cơ sở. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo tính đồng thuận để nhân dân triển khai công tác tiêm phòng cho vật nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, nhất là các huyện miền núi cao. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo chính quyền các địa phương trong xử lý vi phạm về tiêm phòng bằng các biện pháp hành chính dứt khoát.
Lương Mai

tin mới

Thời điểm này, trên cánh đồng lúa xuân ở huyện Yên Thành hầu hết đã chín rộ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung nhân, vật lực để ra đồng thu hoạch. Ảnh: Văn Trường

Nhộn nhịp thu hoạch lúa xuân ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nông dân các địa phương ở Nghệ An đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân trong niềm vui phấn khởi vì được mùa, được giá. Bà con huy động tối đa nhân lực thuê máy móc để thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió lớn, giông lốc gây ra.

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa của huyện Yên Thành ước đạt từ 72- 73 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sản xuất hè thu “càng sớm càng tốt”, nhất là với những xã vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ. Thực hiện ngay các giải pháp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phú Hương

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của Nghệ An, việc phòng trừ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, từ giữa tháng 5 trở đi, sâu non lứa 2 có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng.

Người dân đốt xử lý thực bì để trồng keo ở huyện Tân Kỳ nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: Văn Trường

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Phần lớn các vụ cháy rừng ở địa bàn Nghệ An trong thời gian qua là do người dân tự ý sử dụng lửa đốt thực bì, không báo với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm, dẫn đến gây cháy lan. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được xử lý triệt để.

Giá vàng lập đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng, ở Nghệ An không có tình trạng chen chúc giao dịch vàng

Giá vàng lập đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng, ở Nghệ An không có tình trạng chen chúc giao dịch vàng

(Baonghean.vn) -Giá vàng miếng SJC liên tục xô đổ mọi kỷ lục, tăng vọt lên trên 92 triệu đồng/lượng, trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh tăng thêm, chạm mốc 77 triệu đồng/lượng. Vàng tăng giá sốc, thị trường vàng ở Nghệ An chỗ đông đúc người giao dịch, chỗ lại vắng lặng….