Sản xuất vụ Đông vì sao gặp khó?

(Baonghean) - Đối với sản xuất vụ đông, bên cạnh yếu tố khách quan do ruộng đồng thấp trũng dễ ngập úng khi mưa, thì còn yếu tố chủ quan đó là tâm lý của người dân chưa mặn mà với vụ sản xuất này. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho sản xuất vụ đông ở Hưng Nguyên khó khăn. 

Nông dân xóm 2, xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) bắc lại giàn bí bị thiệt hại  sau thiên tai.
Nông dân xóm 2, xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) bắc lại giàn bí bị thiệt hại sau thiên tai.

Những nỗ lực

Nằm trọn phía ngoài đê tả ngạn sông Lam, xã Hưng Nhân được coi là vùng “rốn lũ” của huyện Hưng Nguyên. Vụ đông nơi đây, có năm người dân vừa gieo trỉa xong, có năm gần đến kỳ thu hoạch thì bị ngập lụt. Mặc dù bấp bênh như vậy, nhưng xã vẫn kiên trì chỉ đạo để nhân dân sản xuất vụ đông; trở thành địa phương có phong trào sản xuất vụ đông khá tốt ở Hưng Nguyên.

Vụ đông ở xã Hưng Nhân được trồng trên  vùng đất bãi với ngô và rau màu các loại như rau cải, rau cúc, xà lách, hành hao, rau mùi gia vị, bầu đỏ lấy ngọn. Bình quân mỗi năm địa phương này trồng 70 - 80 ha ngô; 40 ha diện tích rau màu hàng hóa. Hưng Nhân trở thành địa phương có diện tích rau màu lớn của Hưng Nguyên cung cấp cho thị trường thành phố Vinh. 

“Để có được phong trào này, ngoài việc chỉ đạo quyết liệt, cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, xây dựng mô hình trước có hiệu quả để người dân làm theo; tính toán thời điểm gieo trồng để tránh mưa lụt, thì xã đã có chính sách riêng ngoài cơ chế chính sách của Nhà nước. Cụ thể, Hưng Nhân có chính sách hỗ trợ thêm 20% giá giống; khen thưởng cho những xóm hoàn thành và vượt chỉ tiêu sản xuất vụ đông 1 triệu đồng/xóm.

Khi gặp thiệt hại, xã cũng đứng ra làm thủ tục để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho nông dân” ông Phan Đình Hoàn – Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân, chia sẻ: “Qua việc đem vào thử nghiệm và trồng thành công khoai lang ruột vàng, xã cũng đang tập trung nhân rộng làm mô hình trong thời điểm đông muộn xuân sớm năm 2016 này trên 20 ha; tạo sự đa dạng về cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân trong vụ đông” – ông Phan Đình Hoàn cho biết thêm. 

Còn tại xã Hưng Lĩnh, sản xuất vụ đông chủ yếu là làm rau hàng hóa trong vườn hộ, trong đó tập trung ở vườn hộ 4 xóm vùng bãi soi ngoài đê, bình quân 2 - 5 sào/hộ. Tổng diện tích sản xuất rau vụ đông đạt 35 - 40 ha/năm. Đó còn là nuôi cá vụ 3 trên diện tích đất hai lúa khá ăn chắc với 5 ha diện tích. Bắt đầu từ vụ đông năm 2015, xã chỉ đạo đưa giống ngô biến đổi gien K66 vào sản xuất trên đất bãi đã cho thành công. Riêng vụ đông năm 2016, xã tiếp tục triển khai nhưng do đợt mưa kéo dài nhiều ngày liền trung tuần tháng 10 vừa qua đã gây ngập. Riêng cây bí xanh, vụ đông này cũng là năm thứ hai xã triển khai trên 7 ha, bước đầu cho hiệu quả. 

Ông Hoàng Đức Ân – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho rằng: Vụ đông được Hưng Nguyên xác định là vụ sản xuất hàng hóa chính, đem lại giá trị, thu nhập cao cho người nông dân, vì thế, trong những năm gần đây huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Để đảm bảo vụ đông ăn chắc, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, Hưng Nguyên tập trung khai thác và hình thành 3 vùng sản xuất rõ rệt. Cụ thể, vùng có diện tích lúa thấp trũng tập trung nuôi cá vụ 3; vùng diện tích lúa cao cưỡng sản xuất bí xanh và rau màu; vùng đất bãi trồng ngô làm thức ăn gia súc và rau màu hàng hóa. Từ cơ cấu này, vụ đông ở Hưng Nguyên có tổng diện tích sản xuất khoảng 1.500 ha, đạt 26% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện. 

Cần biện pháp cụ thể

Xã Hưng Phúc địa phương độc canh lúa với tổng diện tích 250 ha. Đặc điểm đồng ruộng thấp trũng, đất thịt, chỉ cần mưa 60 – 70mm trong vòng 1 ngày thì đồng đất đã ngập băng và lâu khô ráo để gieo trỉa. Mặt khác do tính chất đất thịt nặng gây nhiều khó khăn trong khâu làm đất để sản xuất, nhất là cày và lên luống trồng ngô, trồng khoai, hay cây trồng khác. Chính điều này mà lâu nay bà con nông dân nơi đây vẫn chủ yếu tập trung độc canh cây lúa, cây vụ đông không được chú trọng. Do đó Hưng Phúc nằm trong “top” những xã yếu trong phong trào sản xuất vụ đông của huyện Hưng Nguyên. 

Ông Hồ Văn Đề - Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc, chia sẻ: Trước đây, xã cũng đã triển khai làm ngô đông trên đất hai lúa, nhưng vụ thì thu hoạch kém, vụ thì ngô đến thời điểm trổ cờ gặp mưa ngập mất trắng. Vụ đông năm nay, xã chỉ đạo rất quyết liệt để đưa cây bí xanh vào trồng ở vùng đất cao hơn, nhưng chưa kịp trồng đã mưa ngập rồi.

Xã Hưng Thịnh cũng là nơi chứa “túi nước” vào mùa này, cho nên địa phương cũng chỉ sản xuất 2 vụ lúa, không sản xuất vụ đông. Ông Nguyễn Văn Chế - công chức Văn phòng UBND xã, cho rằng: Sản xuất vụ đông ở đây quả là cực kỳ khó khăn. Có năm, 18 xóm trưởng rất quyết tâm để làm trên đồng ruộng nhà mình để làm mô hình cho dân. Năm 2015, xã cũng chủ trương giao cho tổ chức công đoàn xã phát động cán bộ, công chức nghiên cứu, lựa chọn xứ đồng cao để trực tiếp đứng ra sản xuất nhưng chưa kịp triển khai thì mưa xuống ngập băng.

Ông Chế cũng thừa nhận, ngoài yếu tố tự nhiên, thì phải nói rằng, do gần TP. Vinh nên nông dân dễ dàng có nguồn thu nhập khác đảm bảo chắc chắn như làm thợ nề, buôn bán vặt ở chợ, nên không mặn mà với sản xuất vụ đông. Họ chỉ tập trung sản xuất lúa xuân để đảm bảo nguồn lương thực, còn vụ hè thu do ở cuối nguồn nước thường khô hạn mất mùa, nên mặc dù xã chỉ đạo ráo riết nhưng cũng chỉ gieo cấy được khoảng 50% diện tích.

Điều này cho thấy, bên cạnh điều kiện tự nhiên thì phải kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt và chưa có biện pháp, giải pháp sáng tạo để đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Trong báo cáo đánh giá sản xuất vụ đông năm 2015 của huyện Hưng Nguyên, nêu rõ: Đa số các xã chưa có giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai sản xuất vụ đông. Việc chỉ đạo thiếu tính quyết liệt, chần chừ, dẫn đến không đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Vợ chồng ông Phạm Văn Đổng, ở xóm 2, xã Hưng phúc đang giắm lại những cây rau còn sót lại sau đợt mưa vào trung tuần tháng 10 vừa qua.
Vợ chồng ông Phạm Văn Đổng, ở xóm 2, xã Hưng Phúc đang giắm lại những cây rau còn sót lại sau đợt mưa vào trung tuần tháng 10 vừa qua.

Rõ ràng, với điều kiện tự nhiên khó khăn như Hưng Nguyên thì không thể sản xuất vụ đông bằng mọi giá mà sản xuất phải đảm bảo ăn chắc, bởi mục tiêu làm vụ đông là để tăng thu nhập cho người nông dân; nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Để làm được vấn đề này đòi hỏi phải có sự sáng tạo trong chỉ đạo sản xuất, đưa các cây, con phù hợp vào sản xuất, kể cả việc tính toán thời vụ để tránh ảnh hưởng của thời tiết cho người dân yên tâm sản xuất. Gắn với đó là cần tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Có như vậy, vụ đông ở Hưng Nguyên mới thật sự tạo ra chuyển biến trong thời gian tới.  

Minh Chi

tin mới

Thời điểm này, trên cánh đồng lúa xuân ở huyện Yên Thành hầu hết đã chín rộ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung nhân, vật lực để ra đồng thu hoạch. Ảnh: Văn Trường

Nhộn nhịp thu hoạch lúa xuân ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nông dân các địa phương ở Nghệ An đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân trong niềm vui phấn khởi vì được mùa, được giá. Bà con huy động tối đa nhân lực thuê máy móc để thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió lớn, giông lốc gây ra.

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa của huyện Yên Thành ước đạt từ 72- 73 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sản xuất hè thu “càng sớm càng tốt”, nhất là với những xã vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ. Thực hiện ngay các giải pháp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phú Hương

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của Nghệ An, việc phòng trừ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, từ giữa tháng 5 trở đi, sâu non lứa 2 có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng.

Người dân đốt xử lý thực bì để trồng keo ở huyện Tân Kỳ nguy cơ cháy rừng rất cao. Ảnh: Văn Trường

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Phần lớn các vụ cháy rừng ở địa bàn Nghệ An trong thời gian qua là do người dân tự ý sử dụng lửa đốt thực bì, không báo với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm, dẫn đến gây cháy lan. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được xử lý triệt để.