Tích cực bám đồng chăm sóc lúa hè thu - mùa

(Baonghean) - Sau đợt mưa vừa qua, nhiều diện tích sản xuất lúa hè thu - mùa trên địa bàn tỉnh đã dần được khép kín. Bên cạnh việc tiếp tục gieo cấy lúa mùa, nông dân đang tập trung ra đồng chăm sóc diện tích lúa đã cấy, đồng thời theo dõi sát tình hình phát sinh gây hại của các loại sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu trước đợt mưa diễn ra đầu tuần trước, Đô Lương mới gieo cấy được trên 5.000 ha lúa hè thu trên kế hoạch 7.200 ha, thì sau mưa cộng thêm những nỗ lực bơm tát nước, toàn huyện đã khép kín được toàn bộ diện tích 7.200 ha lúa. Hiện tại, trên 5.000 ha trà lúa đầu được gieo cấy ở những vùng chủ động nước của các xã Hiến Sơn, Thượng Sơn, Quang Sơn, Ngọc Sơn… cây lúa đã chuẩn bị đứng cái làm đòng. 
Nông dân xã Minh Thành (Yên Thành) chăm sóc lúa hè thu.  Ảnh: Văn Trường
Nông dân xã Minh Thành (Yên Thành) chăm sóc lúa hè thu. Ảnh: Văn Trường
Ông Nguyễn Công Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho hay: Đến nay, diện tích lúa trà 1 đã gieo cấy được trên 40 ngày. Đợt hạn kéo dài ròng rã trong tháng 6 khiến một số diện tích bị ảnh hưởng nhưng nhờ huyện đã chủ động các biện pháp cần thiết nên cây lúa không bị tác động nhiều. Với những diện tích khó khăn về nguồn nước ở các xã Thái Sơn, Xuân Sơn, Đà Sơn, Mỹ Sơn… chấp nhận chờ nước trời để cấy thì ngay sau đợt mưa, huyện đã chỉ đạo các xã chủ động tiến hành bơm tát từ các nguồn nước, kết hợp với nước trời để gieo cấy. Nhờ đó, đến nay trong 7.200 ha lúa hè thu không có diện tích nào phải chuyển qua cây trồng khác do không có nước mà chỉ có 1.500 ha ở những vùng đất cao, không sợ lụt chuyển sang sản xuất lúa mùa sớm. 
Là địa phương tương đối thuận lợi về nguồn nước, bằng những nỗ lực nhằm khép kín diện tích, từ trước đợt “mưa vàng”, huyện Yên Thành đã cấy được 11.900 ha lúa. Nhà có 1,5 sào lúa Thiên ưu, hiện chị Vũ Thị Lan Anh ở xóm Đình Phùng - xã Hoa Thành đang rất phấn khởi vì lúa phát triển rất tốt: “Đợt mưa đúng vào thời kỳ lúa bắt đầu đẻ nhánh, quý hơn cả một lần bỏ đạm. Từ khi cấy đến nay, tui chỉ mới bón một lần đạm, một lần phun thuốc cỏ sau khi cấy 5 ngày. Hiện tại lúa đã kết thúc đẻ nhánh rồi, trên ruộng chưa thấy sâu bệnh gì nhưng ngày mô cũng ra ruộng để kiểm tra. Tầm này năm ngoái, lúa của nhiều nhà trong xóm bị sâu cuốn lá ăn trụi nên không thể chủ quan, nhất là trời lại bắt đầu nắng gắt”.
Toàn xã Hoa Thành có 224 ha lúa hè thu, trong đó có gần 200 ha “ăn” nước tự chảy từ hệ thống Thủy lợi Bắc và 26 ha từ nước hồ đập nhỏ. Dù năm nay có khó khăn về nguồn nước nhưng xã đã chủ động các biện pháp bơm, tát để cấy xong toàn bộ diện tích trước ngày 2/6. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Khoảng 1/2 diện tích lúa hè thu sử dụng giống lúa Khang dân 18, còn lại là các giống Thái Xuyên, Bắc thơm, nếp các loại… Đợt nắng hạn đã làm một số diện tích lúa bị ngộ độc hữu cơ, cán bộ khuyến nông xã đã hướng dẫn bà con rút nước, bón vôi và lân để lúa hồi phục và phát triển. Hiện tại, lúa đã kết thúc thời kỳ đẻ nhánh, tuy nhiên, sau mưa xuống nắng lên cây lúa rất dễ bị sâu cuốn lá, rầy và bệnh bạc lá nên dù trên đồng ruộng chưa xuất hiện các loại sâu bệnh nhưng việc thăm đồng vẫn được tiến hành thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. 
Sau đợt mưa cách đây 1 tuần, Yên Thành đã gieo cấy thêm 300 ha ở các xã Quang Thành, Tân Thành, Sơn Thành, Bảo Thành… với các loại giống ngắn ngày như Khang dân đột biến, PC6, Thiên ưu 8… Theo ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thì trong số diện tích cấy trước đợt mưa, có khoảng 2.000 ha lúa bị hạn trong đợt nắng nóng kéo dài, trong đó có 500 ha có khả năng bị “cháy”. Huyện đã tập trung ép nước, bơm chuyền tận dụng nguồn “nước chết” ở các hồ đập, sông suối để chống hạn. Nhờ đó đến nay toàn bộ diện tích lúa hè thu phát triển tốt.
Từ đầu vụ hè thu, trước dự báo hạn hán nặng nề, huyện Thanh Chương đã chủ động chuyển 500 ha lúa sang trồng các loại cây màu, chủ yếu ở các xã Thanh Mỹ, Thanh Liên, Thanh Hưng… Tuy nhiên, trong diện tích 5.000 ha lúa hè thu theo kế hoạch, Thanh Chương cũng chỉ cấy được 4.500 ha do thiếu nước, 500 ha còn lại nằm ở những vùng thấp trũng, nắng thì hạn mà mưa lại ngập không thể chuyển đổi, sau đợt mưa vừa qua, một số diện tích đã được gieo thẳng, hiện tại cây lúa đã bén rễ, bà con đang tập trung ra đồng tỉa dặm và chăm sóc.
Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, vụ hè thu năm nay Thanh Chương dự kiến gieo trồng 800 ha ngô, 2.500 ha đậu và 700 ha rau màu. Đợt mưa quý giá vừa qua không những giúp người dân có thể tiếp tục ra đồng gieo cấy thêm lúa và diện tích lúa đã cấy có điều kiện thuận lợi để phát triển, bước vào thời kỳ đẻ nhánh, còn làm ẩm đồng đất để gieo trồng cây màu hè thu hiện đang là thời điểm chính vụ, chủ yếu là cây đậu ở những bãi đất cồn vệ, đất bãi ven sông mà trước mưa, đất khô quá không thể trồng dù đã vào thời vụ. 
Ông Phan Duy Hải, Phó Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 61.822 ha lúa vụ hè thu - mùa. Trong đó vụ hè thu hơn 49.649 ha và vụ mùa 12.173 ha (lúa rẫy 8.918 ha). Hiện tại, trên các trà lúa, các đối tượng sâu bệnh hại đã bắt đầu phát sinh gây hại. Tại các huyện Nam Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông, ốc bươu vàng đã phát sinh gây hại trên hơn 57 ha lúa thời kỳ đẻ nhánh; tuyến trùng phát sinh gây hại 75 ha lúa thời kỳ đẻ nhánh tại huyện Nam Đàn, trong đó  cục bộ một số diện tích có  50 - 60% dảnh bị hại. Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại trên lúa hè thu thời kỳ đẻ nhánh với mật độ rải rác đến 1 - 2 cm2, cục bộ một số vùng có mật độ 20 trứng/m2. Ngoài ra, các đối tượng khác như chuột, rầy các loại, châu chấu, bọ trĩ… cũng đã phát sinh gây hại rải rác.
Dự báo thời gian tới, trong điều kiện nắng nóng có xen kẽ các đợt mưa, các đối tượng sâu bệnh hại sẽ tiếp tục phát sinh gây hại. Các địa phương và ngành chức năng cần hướng dẫn, chỉ đạo nông dân làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch để hạn chế nguồn sâu bệnh. Thường xuyên điều tra theo dõi để phát hiện kịp thời các đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng, châu chấu, sâu keo, bọ trĩ, sâu cuốn lá,... phát sinh gây hại trên  mạ, lúa hè thu - mùa để dự tính dự báo và hướng dẫn chỉ đạo phòng trừ khi cần thiết.
Phú Hương

tin mới

Các hộ dân ký nhận tiền hỗ trợ

Chi trả hỗ trợ bổ sung cho 5 hộ dân Diễn Châu bị ảnh hưởng khi thi công cao tốc Bắc - Nam

(Baonghean.vn) - Chiều 3/5, tại xã Diễn Phú, UBND huyện Diễn Châu phối hợp với doanh nghiệp đầu tư dự án là Công ty TNHH Phúc Thành Hưng tổ chức chi trả bổ sung cho 5 hộ dân xóm 2, xã Diễn Phú bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Đẩy nhanh giải ngân nguồn đầu tư công ở các địa phương

Đẩy nhanh giải ngân nguồn đầu tư công ở các địa phương

(Baonghean.vn) - Nguồn vốn đầu tư công xây dựng công trình “điện, đường, trường, trạm” đã trở thành động lực quan trọng có tính chất “mở đường” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bởi vậy, đẩy nhanh hiệu quả giải ngân đầu tư công luôn được các địa phương, sở, ngành nỗ lực ưu tiên hàng đầu.

Biển chỉ dẫn giao thông từ phía TP Vinh lên cao tốc Bắc Nam tại Quốc lộ 46B thuộc địa phận xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Ảnh Nguyễn Hải

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vận hành thông suốt

(Baonghean.vn) -Theo Thông tin từ Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông – Vận tải) và đơn vị thi công, sau 4 ngày cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật, cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã vận hành an toàn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

(Baonghean.vn) - Kế thừa và phát huy những lợi thế của thiên nhiên ban tặng, Hoa Tiên Sea – Golf Villas đã kiến tạo nên một đô thị nghỉ dưỡng sinh thái biển tự nhiên vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh với tiêu chí lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ để tạo nên khu đô thị bền vững vượt thời gian.

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.