Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

(Baonghean) - Không ai biết chính xác phong tục đón Tết Trung thu có tự khi nào. Chỉ biết rằng, đó là một ngày vui đặc biệt mà tuổi thơ không thể bỏ qua trong đời.  

Mùa Trung thu, trẻ em háo hức cả tháng. Bữa cơm tối cũng kết thúc sớm hơn thường ngày để khi trời thực sự tắt nắng, trẻ con í ới gọi nhau ra đường ngắm trăng rằm. 

Đêm Trung thu ông Trăng như tròn hơn, sáng hơn và cũng gần hơn để trẻ em được nhìn rõ hơn hình ảnh cây đa, nghe người lớn kể lại sự tích chị Hằng - chú Cuội.  Mọi người thường tập hợp lại và tổ chức múa lân, múa sư tử. Trẻ em náo nức tay cầm đèn ông sao, đèn cá chép, cùng bạn bè tung tăng khắp các ngả trong tiếng lân  rộn ràng; Người lớn cùng nhau thưởng nguyệt, ăn bánh, uống trà nói chuyện đến tận khuya. Những mùa Trung thu bình dị mà ấm áp như thế có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai trong tâm trí của mọi người. 

 

Tết Trung thu là tết của trẻ em, là ngày mà người lớn dành tất cả tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc đối với thế hệ măng non. Vì thế mà trên khắp dải đất cong cong hình chữ S này, thấp thoáng sau những lũy tre xanh, từ bao đời nay, những người thợ thủ công bằng bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú và lòng yêu thương con trẻ, đã tỉ mẩn nặn từng con tò he, bồi từng cái mặt nạ theo tuồng tích dân gian, làm trống, làm đầu lân, đầu sư tử để đêm Trung thu thêm rộn ràng với tiếng trống lân mang niềm vui đến cho mọi nhà.

Các bà, các mẹ cũng dành cho con trẻ những loại trái cây ngon nhất hái từ vườn nhà, làm những cái bánh dẻo, bánh nướng thơm ngon, mang đậm đà phong vị quê hương để các con được đón Tết Trung thu thêm rộn ràng và ý nghĩa. 

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành nhiều tình thương yêu cho thiếu niên nhi đồng. Những dịp Trung thu, Bác luôn làm thơ, gửi quà tặng thiếu nhi. Bác còn đi thăm và chung vui cùng các cháu thiếu nhi động viên các cháu học giỏi chăm ngoan. 

Tết Trung thu năm 1951, Bác viết:

Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng 

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.

Trung thu năm 1952, Bác viết nói lên tình thương yêu vô bờ bến của Bác đối với các cháu:

Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh.

Đến năm 1953, đồng cảm cùng các cháu, Bác viết:

Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông

Được tin thắng trận cờ hồng tung bay

Các cháu vui thay

Bác cũng vui thay

Thu sau so với Thu này vui hơn. 

Dẫu cuộc sống có lúc khó khăn nhưng một khi hoài niệm về những giá trị tinh thần quý báu, người ta vẫn muốn duy trì nó như một nét đẹp truyền thống cần phải giữ gìn. Để rồi cứ đến rằm tháng Tám, dù bận rộn đến đâu, mọi người vẫn dành thời gian để chuẩn bị một cái Tết Trung thu thật ý nghĩa để trẻ con được vui vầy cùng bạn bè trang lứa. 

 

Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế thị trường, Tết Trung thu dường như đã xa dần với truyền thống.  Nhà cao tầng ở đô thị đã che mất ánh trăng, tiếng trống múa sư tử thưa thớt, còn ở chợ đồ chơi Trung thu cho trẻ em thì các đồ chơi truyền thống bị lép vế trước các đồ chơi hiện đại. Tràn ngập khắp nơi là các sản phẩm công nghiệp, nào là ô-tô, máy bay, xe máy, xe tăng, súng ống, giáo mác...

Các em đã đón ánh trăng thơ mộng bằng những trò chơi máy móc, trong đó có nhiều trò chơi mang tính bạo lực, vừa nguy hiểm, vừa kích thích tính xấu trong con người. Người ta đua nhau đi mua các loại đồ chơi hiện đại, đắt tiền, ít chú ý đến con tò he nặn bằng bột gạo pha màu, vừa rẻ, vừa có ý nghĩa gợi mở cho các em sức tưởng tượng. Ngay cả bánh nướng, bánh dẻo ngày xưa làm bằng phương pháp thủ công với hương vị rất đặc trưng, nay người ta làm bằng đủ loại nguyên liệu đắt tiền, có hộp bánh lên tới tiền triệu. Ðắt tiền mà lại không mang hương vị truyền thống và có lẽ chỉ dành cho người lớn, chỉ để dành đi biếu xén chứ không thích hợp với các mâm cỗ trông trăng.

 

Chúng ta thường nói, để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phải giáo dục ngay ở độ tuổi thiếu nhi, ở tuổi học đường. Tiếng hát ru, những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ đã theo suốt cả đời người để hướng về cội nguồn, quê hương, xứ sở. Mới đây, chúng ta đã triển khai Dự án "Sân khấu học đường" giúp các em học hỏi và yêu thích bộ môn nghệ thuật dân tộc, rồi chương trình Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực đưa các em đến với các di tích lịch sử, văn hóa, để tìm hiểu truyền thống vẻ vang của ông cha, rồi từ đó học tập, góp phần bảo vệ và phát huy...

Cũng vì thế, Tết Trung thu chính là dịp để các em tiếp xúc và hưởng thụ văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là dịp tốt để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Cho nên khi tổ chức Tết Trung thu cho các em, cần nhận thức sâu sắc điều đó. 

Việc tổ chức Tết đậm đà truyền thống không những chỉ tránh lãng phí mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, mang lại cho các em những cảm xúc trong sáng, lành mạnh. Nó còn tạo điều kiện cho các em ở vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi còn nhiều khó khăn vui Tết, ngắm trăng. Tết Trung thu lôi cuốn các em vào những sinh hoạt tập thể, lúc này cần đến những tiết mục múa hát dân gian, cần đến nhiều trò chơi dân gian để các em vui chơi thỏa thích dưới ánh trăng. Để những tinh hoa văn hóa dân tộc của Tết Trung thu sẽ đọng lại mãi mãi trong tâm hồn các em.

Vân Thiêng

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.