Mẹ Nghiệm

(Baonghean) - Mọi người trong làng trẻ SOS Thành phố Vinh dường như đã quen với dáng vẻ của một người phụ nữ khắc khổ, đón cả đàn con ríu rít đi học về vào mỗi buổi chiều.

Chúng ùa vào vòng tay chị, ríu rít nói cười. Có đứa mở trang vở thơm phức mực in khoe với chị những dòng, những chữ đẹp đẽ được cô giáo ngợi khen. Lại có đứa nép vào lòng chị như để kiếm tìm phút giây ấm áp thân thuộc. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất mà chị Đinh Thị Ngiệm đã đánh đổi bằng cả tuổi xuân, với biết bao nhọc nhằn buồn tủi...

Ngôi nhà Hoa Sữa của mẹ Nghiệm và các con tại Làng trẻ SOS
Ngôi nhà Hoa Sữa của mẹ Nghiệm và các con tại Làng trẻ SOS.

Ngã rẽ cuộc đời

32 tuổi chị Đinh Thị Nghiệm tìm đến Làng trẻ SOS. Và rồi số phận đã gắn kết cuộc đời chị với những mảnh ghép số phận của những đứa trẻ mồ côi. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên về chị. Ngoài 30 tuổi người phụ nữ vẫn dư sức để theo đuổi những ước mơ và làm những điều mình ấp ủ. Vậy nhưng chị không nghĩ thế.

Chị tự nguyện dành thời gian của mình, nhường lại khát vọng của mình cho những mảnh đời ngây thơ sớm chịu nhiều bất hạnh. Ai biết được rằng, người phụ nữ ấy bình thường như biết bao bè bạn cùng trang lứa khác. Lúc lớn lên chị cũng đã có mối tình của riêng mình và cũng từng ước mơ về một mái ấm uyên ương.  

Nhưng tại sao? Bạn bè chị đã nhiều lần đặt câu hỏi ấy. Chị cười hiền và trả lời bằng một câu hỏi khác khi trò chuyện với tôi: “Vậy tại sao cuộc đời lại có những tu sỹ, nhà sư?”. Là chị muốn nói rằng mỗi người sinh ra đã có một căn duyên, tiền mệnh dành cho mình. Đương nhiên chị cũng biết đã tự nguyện vào Làng trẻ SOS nghĩa là phải từ bỏ thiên chức làm vợ, làm mẹ và từ bỏ ước mơ về tổ ấm cá nhân của mình.

Gia đình và bè bạn đã kịch liệt phản đối cái quyết định được cho là rồ dại, bồng bột ấy của chị. Đến mức mẹ chị hết nước mắt vắn dài, rồi phải đôn đáo chạy lên gặp chính quyền xã nhờ can thiệp hằng mong cản ngăn ý định của con gái mình. Chị Nghiệm quê ở Hưng Hòa (Thành phố Vinh) đến nay khi nghĩ về mảnh đất chua phèn ấy vẫn chạnh lòng về mẹ. Về người đàn bà tảo tần, le te chạy trên cánh đồng cói đã bạc màu chỉ mong níu đứa con gái dừng bước. Cha mất sớm, một mình mẹ đã phải làm cả 2 vai. Và bà cũng chỉ mong con gái mình tìm thấy niềm vui giản dị với đồng cói, gốc rạ như bao cô gái khác. Nhưng tất cả vẫn không thể thay đổi được. Chị đi. Mẹ cũng thôi đành nước mắt hảy xuôi.

Mẹ Nghiệm hướng dẫn con học bài
Mẹ Nghiệm hướng dẫn con học bài.

Bước ngoặt cuộc đời được chị thực hiện rất quyết đoán. Ấy vậy nhưng trước khi đặt chân đến làng trẻ mồ côi chị đã không thể hình dung được mình sẽ ra sao. Rằng con đường ấy, ngôi làng đặc biệt ấy sẽ đưa chị đến những đâu? Liệu nó bằng phẳng hay gập ghềnh. Làng trẻ SOS nằm giữa trung tâm phố thị, ấy vậy mà đêm đầu tiên chị thấy đơn vắng lạ lùng. Trong nỗi trằn trọc, day dứt có lúc chị toan dừng lại cái quyết định “dại dột” của mình. Và nỗi lo lắng cứ lớn dần lên khi chị đón nhận những đứa trẻ đầu tiên.

Chúng đến từ nhiều vùng miền với những hoàn cảnh éo le khác nhau. Và dường như ánh mắt nào cũng có một màn sương bao phủ. Chúng sẽ là “con” của chị, những mảnh đời sứt mẻ và bất hạnh. Chị chới với.  Bởi sự non trẻ của mình. Có mơ chị cũng không nghĩ đến một ngày mình làm “mẹ” của cả một đàn con. “Ngày đó, còn trẻ quá, lại chưa lập gia đình nên khi nhận các con về nuôi. Tiếng đầu tiên chúng gọi là mẹ. Mình thấy run và hồi hộp lắm. Cũng không biết mình sẽ phải làm gì lúc đó…” - chị Đinh Thị Nghiêm bồi hồi nhớ lại.

Rồi khi bắt đầu quen với tiếng gọi “mẹ ơi!” của lũ trẻ dành cho mình chị lại buộc phải làm những việc chưa bao giờ được đào tạo. Trong môi trường làng trẻ, chị vừa phải làm mẹ, vừa làm cha, làm cô giáo rồi kế toán, thủ quỹ… kiêm mọi thứ mà trình độ, cũng như kinh nghiệm sống có hạn. Chị đã chấm nước mắt và mỉm cười: “Khó khăn quá, đến lúc tưởng không vượt qua được. Mình định viết đơn xin nghỉ. Nhưng chưa kịp viết thì một buổi tối, mẹ con tâm sự mình nói rõ ý định. Bỗng các con chạy ùa vào ôm lấy mình và nói trong tiếng nấc: “Mẹ ơi! Hãy thương các con. Các con không muốn mồ côi lần thứ hai…”.

Những thổn thức của các con như cứa vào lòng người mẹ. Chị biết rằng, sự lùi bước của mình chẳng khác nào kẻ trốn chạy hòng tìm kiếm chốn bình yên cá nhân. Và điều này thêm một lần nữa làm tổn thương những tâm hồn vốn đã bị cuộc đời bạc đãi. Không, không được phép nhẫn tâm như thế.

Những đứa con ngoan của mẹ Nghiệm

Từ hôm đó, chị quyết tâm học hỏi, trau dồi kiến thức, để trở thành người mẹ hiền, cô giáo thực sự của các con. Hiện nay, trong ngôi nhà Hoa Sữa chị có 10 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một tính nết. Thằng cu Nam được chị nhận về khi 19 tháng tuổi, khi còn chưa biết ngồi. Thằng bé gầy gò, ốm yếu, tháng nào cũng phải đi bệnh viện. Nhưng đến hôm nay từ bàn tay chăm sóc và tình yêu thương của chị, Nam đã trở thành một cậu học trò lớp 9, ngoan ngõan học giỏi.

Rồi thằng Đồng, mới vào được hơn tháng nay. Nó ngổ ngáo, khó bảo, đặc biệt đọc và viết chưa đúng chính tả. Mẹ Nghiệm đã phải vất vả kèm cặp, rèn giũa. Đến hôm nay, mới bắt đầu vào khuôn khổ, và tình hình học tập cũng khá hơn. Bên cạnh tình yêu thương  dành cho những đứa trẻ, điều khiến nhiều người cảm phục ở chị đó là tinh thần ham học hỏi.

Một buổi liên hoan trong ngôi nhà Hoa Sữa
Một buổi liên hoan trong ngôi nhà Hoa Sữa.

Đêm khuya, khi các con đã chìm vào giấc ngủ, chị lại một mình lặng lẽ, lật từng trang vở của các con để biết tình hình học tập của mỗi đứa thế nào. Rồi những bài toán khó, chị  lại tự mày mò tìm lời giải, để hướng dẫn kèm cặp các con. Nhiều lần, chị phải tìm đến hoặc gọi điện nhờ thầy cô giáo tư vấn.

Suốt 24 năm gắn bó với ngôi nhà Hoa Sữa, chị chưa một đêm bỏ sót việc kèm các con học bài. Đứa nào cũng răm rắp học ra học, chơi ra chơi. Vì thế mà các con của chị, đứa nào cũng học hành chăm chỉ, nhiều đứa học đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Chị nhớ cái bận con bé Sang - Hồ Thị Sang đỗ Đại học Công đoàn mẹ con ôm nhau mừng rơi nước mắt. Sang quê ở vùng biển Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) mồ côi cả bố lẫn mẹ. Tuổi thơ của Sang gắn liền với Làng trẻ, với mẹ Nghiệm. Sang hiền lành học giỏi, nết ăn, nết ở chu đáo cẩn thận. Vậy mà cũng đã hơn 20 năm, Sang bây giờ đã là cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình. Thi thoảng vẫn gọi về chia sẻ những buồn, những vui với mẹ Nghiệm. Có lúc cô bé lại thổn thức: “Mẹ ơi! con nhớ mẹ lắm”.

Cũng từ ngôi nhà Hoa Sữa của Làng trẻ thằng Vinh đã là sinh viên Trường Đại học Vinh, con Liên là sinh viên Trường Đại học Bưu chính Viễn Thông ở Sài Gòn, bé Trang đã có công việc ổn định ở thủ đô Hà Nội.

Những đứa con này lớn lên lại có những đứa con khác được nuôi dạy trong vòng tay của mẹ Nghiệm. Trong gia đình Hoa Sữa giờ đây, Nguyễn Thị Ngọc Ánh là cô chị cả. Ánh năm nay đang học lớp 8, em chia sẻ: “cháu may mắn được làm con của mẹ. Mẹ Nghiệm thương yêu các con như chính con mẹ dứt ruột sinh ra. Đây là ngôi nhà là mái ấm thực sự của mình…”

Dù chưa một lần sinh nở, nhưng trong mắt con trẻ, chị là người mẹ hiền, là người cha nhân từ nhưng nghiêm khắc, kèm cặp uốn nắn các con từ bữa ăn, giấc ngủ và động viên chỉ dạy các con học hành. Với chị, đó là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

Và quả thật, mỗi khi nhìn nụ cười rạng rỡ trên môi của từng con trẻ, chị lại cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ. Chị cố gắng bù đắp, xoa dịu những thiệt thòi, mất mát cho các con bằng trái tim ấm nóng của một người mẹ. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn với chị. Chị có cả đàn con, đàn con đó gọi chị là “Mẹ”.  

Khánh Như

tin mới

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

(Baonghean.vn)- Biến động giá vé máy bay khiến xu hướng du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay ở Nghệ An ít nhiều có thay đổi. Theo đó, những tour đường bộ, điểm đến gần được nhiều du khách lựa chọn để tham quan, trải nghiệm trong kỳ nghỉ.