Hồn quê trong lòng phố thị

(Baonghean) - Theo lẽ tự nhiên, đô thị hóa sẽ lan dần ra các vùng nông thôn ngoại vi, mảnh đất Hưng Lộc cũng không nằm ngoài dòng chảy phát triển đó của Thành phố Vinh. Trên những khu đất xưa là đồng ruộng, vườn tược, ao đầm, những khu đô thị mới, khu dân cư, trung tâm đào tạo… mọc lên; con đường nhựa rộng rãi, bề thế cũng thay thế dần hình ảnh những con đường lầy lội bùn đất xưa kia. “Đất lành, chim đậu”, Hưng Lộc đón hàng ngàn người dân tứ phương gồm nhiều thành phần về sinh sống, làm ăn; họ là cán bộ, công chức, bộ đội, tiểu thương, lao động phổ thông… 
Theo thống kê của UBND xã thì sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, Hưng Lộc ngày nay có 20 xóm, hơn 4.000 hộ với gần 20.000 nhân khẩu sinh sống trên tổng diện tích tự nhiên gần 672 ha; đồng thời có 5 đơn vị quân đội, 2 trung tâm xã hội, 4 trường đại học, cao đẳng và trên 30 doanh nghiệp có khuôn viên, trụ sở riêng… đóng trên địa bàn. “Dân đông, xã đại” nhưng cái hay ở Hưng Lộc chính là “văn hóa tiếp nhận và hòa nhập”. Mối quan hệ hai chiều rất hài hòa và bền chặt giữa những cư dân mới đến với những cư dân bản địa tạo nên một cộng đồng thống nhất, chung một ý chí xây dựng Hưng Lộc ngày càng phát triển dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Điều này thể hiện rõ nét không chỉ trong các chỉ số gia tăng đơn lẻ mà được phản ánh một cách toàn diện với minh chứng cụ thể nhất là, xã vừa đón nhận đạt chuẩn NTM vào ngày 21/3. Có được điều đó, cần phải khẳng định rằng, trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm và nhân dân hưởng lợi”, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể ở Hưng Lộc đã phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí, đặc biệt như các tiêu chí giao thông và thủy lợi, qua đó tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng cao trong nhân dân.
Đường Trần Trùng Quang qua địa bàn xã Hưng Lộc (TP. Vinh) vẫn lưu giữ nét quê.
Đường Trần Trùng Quang qua địa bàn xã Hưng Lộc (TP. Vinh) vẫn lưu giữ nét quê.
Men theo những con đường khang trang, rộng rãi đã được bê tông hoặc nhựa hóa, chúng tôi về xóm Hòa Tiến. Cả xóm có 292 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu gồm cả những người dân gốc và cả những người mới đến cư trú. Vì vậy, có thể nói xóm đây cũng là hình ảnh thu nhỏ của Hưng Lộc hôm nay. Dẫn tôi đi thăm một vòng quanh xóm, ông Nguyễn Trọng Bình, xóm trưởng không giấu được niềm tự hào, bởi dẫu cái xô bồ của nếp sống đô thị đã len lỏi vào từng con đường ngõ xóm nhưng cái nét quê, tình làng, nghĩa xóm thì vẫn còn vẹn nguyên. Đó cũng là cội nguồn sức mạnh để từ hơn chục năm nay, nhân dân Hòa Tiến góp công, góp của, hiến cả đất vườn nhà để làm đường giao thông nông thôn. “Đó anh xem, đường sá giờ đi lại thuận lợi hơn nhiều. Thời buổi tấc đất, tấc vàng, vậy mà khi xóm cần là nhiều hộ dân sẵn sàng hiến hàng chục mét vuông đất làm đường giao thông”.
Nói đoạn, ông Bình vui vẻ dẫn chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Quang Uy. Năm nay đã 67 tuổi, hơn 40 năm tuổi đảng và từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường, rồi ông phục viên về làm cán bộ xã Hưng Lộc cho đến khi nghỉ hưu. Không phải cho đến khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ông Uy mới hiến đất làm đường giao thông. Từ năm 2005, ông đã tự nguyện hiến đất vườn dài 54m, rộng 3,5m để làm đường trục nhánh cho 6 hộ cùng hưởng lợi. Đến năm 2013, được nhà nước hỗ trợ xi măng, 6 hộ sống dọc theo tuyến đã đóng góp 3,5 triệu đồng/hộ để làm đường bê tông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Uy cười xòa nói: “Có gì đâu, cứ nghĩ, gia đình chịu thiệt đi một chút nhưng cả cộng đồng được lợi nên vui vẻ hiến đất thôi, chứ cũng có chi to tát mô”. Suy nghĩ giản đơn nhưng thiết thực của ông Uy cũng chính là tư tưởng chung của đa số người dân Hưng Lộc. Chính vì vậy, qua mấy năm thực hiện xây dựng NTM, xã đã hoàn thành tiêu chí về giao thông với kết quả ấn tượng, bởi đây được xem là tiêu chí khó, nhất là ở một địa phương tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo đó, xã đã đầu tư nâng cấp được hơn 5,5 km đường trục xã, xóm; 11,3 km đường ngõ xóm, nội đồng với tổng kinh phí thực hiện hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp bằng tiền và hiến đất có tổng giá trị hơn 5,6 tỷ đồng. 
Bên cạnh đó, mảnh đất Hưng Lộc còn mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc, đó đền Trìa, nhà thờ họ Uông và nhà thờ họ Hoàng, những di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đây cũng là những di tích mang tính biểu tượng cho mảnh đất Hưng Lộc, nó ghi dấu bước chân tiền nhân từ ngày đi mở cõi, khai hoang mảnh đất này, cho đến những giai đoạn đấu tranh hào hùng, vẻ vang vào đầu thế kỷ XX. Quá khứ, hiện tại được xâu chuỗi từ mạch nguồn truyền thống đầy tự hào và vẻ vang chính là chất keo kết nối hồn làng, là mệnh lệnh không lời để mỗi người dân hiện sinh sống trên mảnh đất Lộc Đa – Đức Thịnh xưa phải tiếp tục gìn giữ, phát huy để xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Chính vì vậy, bên cạnh việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, với thu nhập bình quân đầu người hết năm 2014 đạt 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,94% thì văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.
Đến nay, cơ sở vật chất văn hóa cũng được xem là điểm nhấn của Hưng Lộc trong xây dựng NTM, thuộc vào tốp đầu của tỉnh với hội trường văn hóa đa chức năng xã có trên 250 chỗ ngồi, thiết chế văn hóa đạt chuẩn. Trong những năm qua, xã đã tiến hành quy hoạch, xây dựng các nhà văn hóa và khu thể thao xóm đạt chuẩn theo quy định. 20/20 xóm có diện tích nhà văn hóa từ 500m2 trở lên, trong đó có 3 xóm trên 1.000m2. 100% xóm có hội trường văn hóa từ 150 chỗ ngồi trở lên. Nguồn kinh phí xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất văn hóa xã lên tới trên 14 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và một phần do nhân dân đóng góp. Đây cũng là tiền đề để Hưng Lộc thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và có 14/20 xóm đạt tiêu chuẩn Làng Văn hóa… 
 Ông Nguyễn Quang Uy (đứng giữa) đang trao đổi với cán bộ xóm và xã về sự thuận lợi của con đường giao thông NTM
Ông Nguyễn Quang Uy (đứng giữa) đang trao đổi với cán bộ xóm và xã về sự thuận lợi của con đường giao thông NTM
Hưng Lộc được công nhận xã đạt chuẩn NTM đúng vào thời điểm nawăm cuối thực hiện các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Những kết quả đạt được thực sự to lớn, nhưng đó cũng là điểm khởi đầu cho hành trình tiếp theo xây dựng Hưng Lộc thành địa phương phát triển xứng tầm trong một đô thị Vinh ngày càng hiện đại, vươn tầm trung tâm khu vực Bắc Trung bộ. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: “Việc hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng NTM có vai trò rất quan trọng. Nó là tiền đề để xã tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội; đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Từ đó, phấn đấu xây dựng Hưng Lộc trở thành đơn vị hành chính cấp phường của TP Vinh trong nhiệm kỳ 2015 -2020”. Trong dòng chảy không ngừng, Hưng Lộc đang dần dần thay đổi từ làng lên phố. Những cánh đồng lúa bao la rồi sẽ nhường lại cho những khu đô thị, đường phố, công trình hạ tầng hiện đại nhưng Hưng Lộc vẫn còn đó những công trình lịch sử mang trong mình giá trị to lớn. Để rồi, mỗi người dân nơi đây vẫn thấy còn đó mảnh hồn quê dung dị mãi trường tồn trong lòng phố thị.
 Nhật Lệ

tin mới

Trần Thị Trâm.

Người mẹ được cụ Phan gọi là Quốc mẫu và chuyện chiếc khăn tay tiễn con xuất dương

(Baonghean.vn) - Một người phụ nữ nhỏ bé, được giáo dục dưới sở học và lễ nghĩa phong kiến, nhưng bằng tài hoa, khí phách và lòng yêu nước vô bờ, đã vượt qua bao gian truân để 3 lần sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân. Đó là bà Trần Thị Trâm - người được cụ Phan Bội Châu khâm phục gọi là Quốc mẫu, "Tiểu Trưng", là nữ kiệt đất Hồng Lam.
Ném pao

Bản làng người Mông nô nức vào hội ném pao

(Baonghean.vn) - Dịp đầu năm mới, khắp các bản làng người Mông ở vùng cao Nghệ An lại nô nức bước vào hội ném pao. Đây là nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng người Mông mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng là thời điểm các nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau để nên duyên vợ chồng.
Người Mông Nghệ An

Lợn trong đời sống người Mông Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nếu như các dân tộc khác coi việc chăn nuôi lợn là để phục vụ đời sống đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thì một số người Mông ở Nghệ An cho rằng lợn chỉ được dùng để giết thịt phục vụ cho các ngày lễ, Tết.
Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh

Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

(Baonghean.vn) - Đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, già trẻ, trai gái trong bản không ai không biết đến bà Sầm Thị Vinh (1950), một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.