Đưa ví, giặm về miền nắng ấm

(Baonghean.vn)Bằng sự kết nối của các cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, những người con xứ Nghệ và những tâm hồn mê đắm loại hình dân ca đặc biệt của Nghệ Tĩnh là ví, giặm trên khắp mọi miền đã tìm về với nhau trong các không gian âm nhạc để cùng tôn vinh, cùng đắm mình trong các làn điệu dân ca của vùng đất “gió Lào, cát trắng”.
Một đêm giao lưu “Về miền ví, giặm” đượm ân tình đã được tổ chức ngày 20/12/2014 ngay tại khuôn viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thành phố Vinh, quê hương Nghệ An - cội nguồn của những khúc hát dân ca ngọt ngào, sâu lắng, nặng nghĩa, nặng tình. 
Đêm giao lưu âm nhạc
Đêm giao lưu âm nhạc " Về miền ví, giặm" tại trường THPT chuyên Phan                      Bội Châu            Ảnh: Thành Chung
Một đêm nhạc “ Ân tình ví, giặm” ngày 7/3/2015 là sự hòa quyện các sắc màu, những cung bậc tình cảm yêu thương, hờn giận của những câu hò, điệu ví giữa Thủ đô Hà Nội - trái tim yêu dấu của mảnh đất hình chữ  S thân yêu, nơi hội tụ các tinh hoa văn hóa Việt. 
Đêm nhạc
Đêm nhạc "Ân tình ví, giặm" tại Thủ đô Hà Nội.       Ảnh: Cao Tuấn
Và ngày 10/4/2015 tới đây, tại Nhà hát Bến Thành - số 6 - Mạc Đĩnh Chi, TP Hồ Chí Minh, nơi Bác Hồ - người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng, đưa dân tộc Việt Nam từ lầm than nô lệ tự giải phóng mình thành chủ nhân một nước độc lập, đêm nhạc có tên gọi “Ân tình ví, giặm” sẽ được ra mắt. 
Đây là một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh, lan tỏa ví, giặm sau khi loại hình dân ca đặc biệt này chính thức được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 27/11/2014 tại Paris (Pháp). Và đặc biệt hơn là chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chương trình do nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu làm tổng đạo diễn, với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, các nghệ nhân dân ca đến từ các câu lạc bộ dân ca đến từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Khán giả thành phố mang tên Bác sẽ có dịp thưởng thức và và để hiểu hơn các làn điệu ví, giặm cổ Nghệ Tĩnh qua giọng ca của NSND Hồng Lựu với “Phụ tử tình thâm”, các màn diễn xướng “Duyên phường cấy”, “Về miền ví, giặm”, “Đêm trăng Phường vải”, “Tình quê nón lá”, hoạt cảnh mang đậm chất hài xứ Nghệ “Bần hát ghẹo”… của các nghệ sỹ đến từ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ …
Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm - người hơn 60 năm hát ví, giặm Nghệ Tĩnh
Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm - người hơn 60 năm hát ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Cao Tuấn
Đêm diễn sẽ có sự góp mặt của nghệ nhân nhí đầy triển vọng Thanh Xuân đến từ Câu lạc bộ dân ca Ngọc Sơn (Thanh Chương - Nghệ An) với “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy”, ca sĩ "nhí" 9 tuổi Bình Dương đến từ  Yên Thành (Nghệ An). 
Đêm hội còn là sự lên ngôi của các nhạc phẩm đương đại mang âm hưởng dân ca như “Ai vô xứ Nghệ”, “Neo đậu bến quê” qua các giọng ca của các nghệ sỹ tên tuổi. Và đặc biệt là nhạc phẩm “Quê hương là núi Hồng, sông Lam” - một sáng tác của chính cựu học sinh trường Phan ca ngợi về vẻ đẹp quê hương, tình yêu đôi lứa mà ở đó mang đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh.
Chương trình sẽ đem đến cho khán giả sức hấp dẫn bởi sự đan xen, hòa quyện giữa các làn điệu ví, giặm cổ với các bài hát đương đại mang âm hưởng dân ca. Đưa ví, giặm rời từng làng quê, đồng ruộng, sân đình về với các sân khấu thị, thành, để nhiều người hiểu hơn, yêu hơn câu ví, giặm đó là mong muốn của những cựu học sinh trường Phan. 
Và hơn hết trong những ngày tháng 4 lịch sử, ví, giặm được về với miền nắng ấm, nơi mảnh đất phương Nam, mảnh đất luôn trong trái tim của Bác Hồ - người Cha già dân tộc,  sẽ là dịp để những trái tim yêu ví, giặm ở TP Hồ Chí Minh và mọi miền hãy cùng đắm mình với “đêm đò đưa nhớ Bác”, để cháy hết mình với câu ví giận, thương./.
Hà Chi 

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.