'Giấc mơ trưa' của Ukraine

(Baonghean) - Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu - Ukraine trong hai ngày 12- 13/7 tiếp tục bàn thảo những vấn đề sát sườn với cả hai bên. Đó là tương lai liên kết, cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và vấn đề cải tổ của quốc gia Đông Âu này. Nhưng trước hết, mọi tiến triển của cuộc mối quan hệ này vẫn sẽ phải trông đợi vào mối quan hệ với Nga. 

Tin vào đối tác

Lần thứ 19, các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp mặt Tổng thống Ukraine để thảo luận về mối quan hệ đối tác. Theo thông báo của Liên minh châu Âu, điểm mới của cuộc gặp này là hai bên đều hài lòng về tiến trình phê chuẩn Hiệp định Liên kết, bao gồm cả Khu vực mậu dịch tự do toàn diện và sâu rộng. Thành tựu mới nhất giữa hai bên là trước cuộc họp 1 ngày, Hội đồng châu Âu đã thông qua Hiệp định liên kết Liên minh châu Âu (EU) - Ukraine vốn được ký kết năm 2014 nhằm thiết lập quan hệ liên kết chính trị và kinh tế giữa liên minh này với Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU và Tổng thống Ukraine có nhiều chủ đề cần thảo luận nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác. 	Nguồn: VOAnews
Các nhà lãnh đạo EU và Tổng thống Ukraine có nhiều chủ đề cần thảo luận nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác. Nguồn: VOAnews

Với hiệp định này, EU và Ukraine cam kết thiết lập "mối quan hệ gần gũi, lâu dài trong tất cả các lĩnh vực chính sách quan trọng. Việc thông qua này sẽ cho phép hai bên thực thi đầy đủ hiệp định từ ngày 1/9/2017". Ngoài ra, EU cũng chính thức miễn visa cho công dân Ukraine nhập cảnh bắt đầu từ 11/6. Đó là cơ sở để tin rằng cả EU và Ukraine sẽ có một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và bền vững. 

Nhưng cần phải nhắc tới vế thứ hai của Hiệp định lại chưa có nhiều tiến triển. Theo đó, Ukraine phải thông qua hàng loạt chương trình cải cách, trong đó có đấu tranh chống tham nhũng, quản lý tài chính công, phân quyền và lĩnh vực năng lượng. 

“Lương duyên” trắc trở

Từ bấy lâu nay, tấm vé trở thành thành viên chính thức của EU là điều mà Ukraine vẫn trông đợi. EU cũng muốn mở cánh cửa với quốc gia Đông Âu này, nhưng trở ngại vẫn còn nhiều ở phía trước. Mặc dù quy chế miễn thị thực cho Ukraine là một bước đi giúp xích lại gần EU hơn nhưng theo giới quan sát, con đường gia nhập EU sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Để đảm bảo nhận được quy chế miễn thị thực, Ukraine đã phải hoàn thành 144 tiêu chí của kế hoạch, trong đó có các biện pháp an toàn giấy tờ, kiểm soát biên giới, đấu tranh chống tham nhũng… Tuy nhiên để gia nhập châu Âu , những tiêu chuẩn đó sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.

Trong khi đó, nội bộ EU cũng có nhiều nước không mấy thiện cảm với việc kết nạp thêm Ukraine. Điều này thể hiện rất rõ qua việc Hà Lan tổ chức cuộc trưng cầu ý dân liên quan đến quá trình liên kết của Ukraine với EU. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 6/4 năm ngoái, 60% số người Hà Lan tham gia đã nói không với viễn cảnh này. Kết quả này là đòn giáng mạnh đối với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và chính phủ liên minh của ông vào thời điểm đó, khi Hà Lan đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU.

Chính quyền của Thủ tướng Rutte sau đó đã phải nỗ lực điều chỉnh thỏa thuận này, trong đó hạn chế cam kết quốc phòng của EU với Ukraine và nêu rõ rằng hiệp định này sẽ không đảm bảo việc Kiev trở thành thành viên chính thức của EU trong tương lai. Và đến tháng 12, EU đã chấp thuận những yêu cầu của Hà Lan về hiệp định liên kết EU-Ukraine để Hà Lan thông qua văn kiện này.

Việc EU miễn thị thực cho công dân Ukraine là một bước tiến lớn. Nguồn: AFP
Việc EU miễn thị thực cho công dân Ukraine là một bước tiến lớn. Nguồn: AFP

Bên cạnh đó, một số nước cũng thường xuyên lên tiếng chỉ trích quá trình cải cách, tham nhũng và nhân quyền tại Ukraine. Bản thân EU cũng đang đối mặt với những vấn đề nội bộ của mình, như việc Anh chuẩn bị rời khỏi khối, nên việc kết nạp thành viên mới trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn nhiều.

Không mấy lạc quan về triển vọng của Ukraine gia nhập EU, Đại sứ EU tại Ukraine Hugues Mingarelli cho rằng, điều EU quan tâm và tập trung hiện nay đó là hỗ trợ quá trình cải cách và hiện đại hóa Ukraine. Không nên vì qui chế miễn thị thực này mà khiến Ukraine “nuôi ảo mộng” cũng như làm EU “ khó xử”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng từng tuyên bố, Ukraine sẽ không thể gia nhập EU trong vòng 20-25 năm tới.

Ưu tiên nào cho Ukraine?

“Ước mơ EU” của Ukraine là điều không tưởng nếu xét về khía cạnh quân sự, an ninh. Bán đảo Crimea đã nằm trong tay Nga kể từ năm 2014. Còn chiến trường miền Đông Ukraine thì chưa khi nào nguội lạnh. Nhiều người tử nạn ở Donbass. Theo số liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine, cuộc giao tranh với phe ly khai thân Nga đã khiến khoảng 10.000 người chết, trong đó có 2.650 binh sĩ thiệt mạng.

EU sẽ phải cân nhắc tới mối quan hệ với một đối tác còn nhiều bất ổn an ninh và tranh chấp như Ukraine. Giải pháp khả thi là việc thúc đẩy các giải pháp hòa bình tại quốc gia này. Người châu Âu đang bất lực và nhấn mạnh vào việc tuân thủ thỏa thuận Minsk. Còn với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề tài Ukraine lại không phải là vấn đề ưu tiên.

Bản thân nội bộ EU cũng bị phân hóa vì cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga. Nhiều nhà quan sát còn coi hai thái cực này là phép thử cho sự đoàn kết và thống nhất của khối. Những toan tính về lợi ích quốc gia ngày càng khiến các thành viên EU khó đi đến một sự đồng thuận chung trong cuộc "đấu trí" với Moscow.

Ví dụ, EU từng bất đồng về việc tiếp tục mở rộng các lệnh trừng phạt chống Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Brussels cho thấy mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nước EU trong chính sách đối với Moscow và cách tiếp cận giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine bắt đầu lộ rõ.

Trong khi một số nước vùng Baltic và Bắc Âu tỏ rõ quan điểm cứng rắn, muốn tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt và xem đây là biện pháp sẽ khiến Nga phải có trách nhiệm ràng buộc hơn đối với thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine thì ít nhất 7 quốc gia EU khác gồm Cộng hòa Cyprus, Italy, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Áo và Tây Ban Nha lại phản đối việc kéo dài lệnh trừng phạt. Nhóm quốc gia này cũng tuyên bố sẵn sàng phủ quyết bất kỳ một nghị quyết trừng phạt nào được đưa ra.

An ninh và cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine vẫn là vấn đề lớn. Nguồn: BBC
An ninh và cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine vẫn là vấn đề lớn. Nguồn: BBC

Đáng chú ý, Pháp, Italia và Tây Ban Nha còn tuyên bố rõ ràng là họ không muốn phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn, vốn dĩ mong manh. Đến lúc này, chỉ có Đức đứng ở vị trí trung gian giữa hai phe trong EU về vấn đề trừng phạt Nga khi vừa muốn thể hiện sự cứng rắn vừa muốn duy trì được sự đoàn kết của Châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt tất yếu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Song, không chỉ riêng Nga mà cả các quốc gia EU cũng bị thiệt hại không nhỏ. Thế nhưng vấn đề khủng hoảng ở Ukraine vẫn bế tắc và chưa đi đến một giải pháp cuối cùng.

Như thế có nghĩa là việc cô lập Nga không thể giải quyết tận gốc vấn đề mà còn gây tổn thương cả cho bên áp đặt. Vì thế, ngày càng nhiều quốc gia EU lên tiếng phản đối chính sách cứng rắn với Nga. Vì thế, khó có chuyện EU sẽ mạo hiểm mối quan hệ với Nga để đảm bảo một vị trí chính thức cho Ukraine. Mối quan hệ EU – Ukraine vì thế sẽ khó đi tới một kết quả đột phá như trông đợi.

Thanh Sơn

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.