'Cuộc săn phù thủy lớn nhất lịch sử Mỹ?'

(Baonghean) - Có lẽ từ khi ngồi vào chiếc ghế ở Phòng Bầu dục, đây là tuần lễ tồi tệ nhất đối với Tổng thống Donald Trump khi trở thành “nạn nhân” trong cái mà ông gọi là “cuộc săn phù thủy lớn nhất lịch sử Mỹ”.

Việc Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra khả năng can thiệp của Nga và cấu kết từ chiến dịch của Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đích thị là chuyện xưa nay hiếm!

Những gương mặt bị cáo buộc
Những gương mặt bị cáo buộc "dẫn lối" giữa Trump và nước Nga. Ảnh: CNN

Khi Tổng thống thấy bất công

Cục diện rối ren ngày hôm nay có vẻ như có liên hệ trực tiếp tới vụ sa thải Giám đốc FBI James Comey gây chấn động dư luận Mỹ và những ai quan tâm hồi tuần trước.

Nhiều người đồn đoán rằng chính việc ông Trump đột ngột cho ông Comey thôi việc, rồi đưa ra những bình luận ám chỉ rằng chủ nhân Nhà Trắng đưa ra quyết định như vậy vì “giận dữ khi FBI mở cuộc điều tra Nga” đã thôi thúc Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein chỉ định công tố viên đặc biệt điều tra có hay không sự can thiệp của Nga và sự thông đồng từ phụ tá chiến dịch tranh cử của Trump trong bầu cử Mỹ.

Sau khi tin tức không mấy tốt lành này được tung ra hôm 17/5, dĩ nhiên mọi con mắt đều đổ dồn trông chờ phản ứng từ vị Tổng thống xuất thân doanh nhân. Trong một loạt dòng trạng thái đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày hôm đó, ông Trump đã không ngại phàn nàn rằng mình đang bị phân biệt đối xử so với những nhân vật đình đám khác xuất thân đảng Dân chủ.

Ông viết: “Trong tất cả những động thái pháp lý được đưa ra với chiến dịch tranh cử của bà Clinton và chính quyền của ông Obama, chưa bao giờ người ta chỉ định một công tố viên đặc biệt cả. Đây là cuộc săn phù thủy lớn nhất và duy nhất nhằm vào một chính khách trong lịch sử Mỹ”.

Những bình luận trên của Trump được giới phân tích nhận định là nhằm phát tín hiệu về chính sách kháng cự trước cuộc điều tra của Mueller - động thái giờ đây sẽ phủ bóng đen u ám lên Nhà Trắng trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm tới.

Và tòa Bạch ốc cũng phải đối diện với hiện thực phũ phàng là mối đe dọa gần kề khi Mueller sắp sửa “tung chiêu”, nhất là khi vị công tố viên đặc biệt “vô tiền khoáng hậu” này sẽ được “vũ trang” bằng những quyền năng gần như vô biên.

Trong đó, đáng chú ý phải nhắc đến quyền được đưa ra trát yêu cầu Trump phải hầu tòa hoặc phỏng vấn đích thân chủ nhân Phòng Bầu dục trong quá trình tìm hiểu xoay quanh câu hỏi trọng tâm là liệu có bất cứ nhân vật nào trong giới thân tín của Trump cấu kết với người Nga để tác động tới tiến trình bầu cử hoặc phạm bất cứ tội danh nào hay không.

Trump cho rằng đang xảy ra cuộc
Trump cho rằng đang xảy ra cuộc "săn phù thủy" lớn nhất lịch sử Mỹ nhằm vào ông. Ảnh: AFP

Xét cho cùng, việc loan báo thông tin bổ nhiệm công tố viên đặc biệt chính là mồi lửa làm bùng lên cơn giận vốn đã âm ỉ bấy nay của Trump khi ông cho rằng bản thân bị phân biệt đối xử  tại Washington và chịu bất công khi phải hứng lấy những cáo buộc rằng chiến dịch tấn công của tin tặc Nga đã giúp tỷ phú bất động sản đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái.

Và đó là nguyên nhân mà trong bài diễn văn khai mạc sự kiện tại Học viện cảnh sát biển của Mỹ hôm 17/5 vừa qua, Trump cảm thán: “Tôi chắc chắn rằng chẳng có chính khách nào trong lịch sử bị đối xử tệ bạc và bất công nhiều hơn tôi”.

Đả thương nước Mỹ

Như chưa “thỏa tấm lòng”, ông chủ 4 tháng qua của Nhà Trắng mới đây lại tiếp tục cảnh báo sự nguy hiểm khó lường mà cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt gây ra đối với Mỹ.

“Tôi tin nó sẽ đả thương nghiêm trọng đất nước của chúng ta, bởi nó cho thấy chúng ta là một quốc gia chia rẽ, hỗn độn, không đoàn kết. Trong khi hiện giờ chúng ta có rất nhiều việc quan trọng cần làm, nào là các thỏa thuận thương mại, rồi cả quân sự, hay ngăn chặn hạt nhân…” - chính khách số 1 của Washington tuyên bố khi dùng bữa trưa cùng một nhóm phát thanh viên thời sự của các kênh truyền hình.

Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ cũng cho rằng cuộc điều tra của cựu Giám đốc FBI Robert Mueller trong thời gian tới thực ra xuất phát từ động cơ muốn xóa nhòa chiến thắng bầu cử của ông cuối năm ngoái.

Gương mặt đảng Cộng hòa không giấu nổi thái độ gay gắt: “Nó đơn thuần chỉ là cái cớ biện bạch cho việc phe Dân chủ để thua trong cuộc bầu cử, rằng đáng lẽ ra họ phải chiến thắng một cách dễ dàng vì cử tri đoàn đa phần ngả về phía họ. Tất cả chỉ có vậy. Tôi cho rằng nó cho thấy sự chia rẽ, và cho thấy chúng ta không phải là một đất nước đoàn kết, đó là điều vô cùng tiêu cực. Và hy vọng là chuyện này có thể qua nhanh, vì chúng ta phải thể hiện sự đồng tâm nhất trí nếu muốn làm những điều tuyệt vời với phần còn lại của thế giới”.

Mueller vừa được chỉ định làm công tố viên đặc biệt điều tra khả năng can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Ảnh: Getty
Mueller vừa được chỉ định làm công tố viên đặc biệt điều tra khả năng can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Ảnh: Getty

Theo ghi nhận của hãng tin CNN, cơn thịnh nộ của Trump mang màu sắc tương phản rõ rệt khi đặt cạnh sự hoan nghênh và đón đợi rộng rãi tại Washington dành cho công tố viên đặc biệt Mueller.

Như giáo sư luật học tại Đại học Cornell - Jens David Ohlin chia sẻ: “Một mặt thông tin này không tốt đối với Trump nhưng lại là tin tốt lành với những người muốn có một cuộc điều ca cứng rắn bởi Mueller chắc chắn là một nhân vật quả quyết và có uy tín khi còn là giám đốc FBI”.

Chuyên gia Ohlin cũng nhận định thêm: “Comey bị sa thải vì họ muốn ngừng điều tra Nga. Nhưng điều đó phản tác dụng, giờ có thêm một công tố viên đặc biệt và người này thậm chí còn cứng rắn hơn cả Comey. Khi khả năng kiểm soát và xử lý tình hình này không còn nữa, đối với Nhà Trắng mọi chuyện chắc chắn sẽ trở nên xấu hơn”.

Với danh thơm của Mueller, có thể khẳng định rằng, dù rốt cuộc vị cựu Giám đốc FBI này đưa ra kết luận như thế nào sau quá trình điều tra, thì nội dung đó cũng sẽ nhận được sự chấp nhận rộng rãi của dư luận.

Chỉ có điều, từ nay đến khi ấy, Nhà Trắng còn phải đau đầu nhiều và vị Tổng thống tại vị vừa tròn 4 tháng của Mỹ phải cố thích nghi với sự thật rằng, thông báo bổ nhiệm “đặc biệt” hôm 17/5 cũng đánh dấu thời điểm Trump “diện kiến” những quy định vẫn thường áp dụng với các chính trị gia khác mà lâu nay vẫn bị ông “phá lệ”.

Thu Giang

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.