Donald Trump 'gặp khó' sau sự ra đi của Manafort

(Baonghean) - Ngay sau khi xuất hiện thông tin về sự liên quan của Chủ tịch Ban vận động tranh cử Paul Manafort trong các giao dịch tiền bạc bí mật với Ukraine, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump lập tức quyết định cải tổ bộ máy tranh cử với việc bổ sung các tên tuổi lớn.

Dù vậy, quyết định này vẫn không đủ để lấp chỗ trống khi ông Paul Manafort cuối tuần qua đã chính thức từ chức. Sự ra đi của ông Manafort sẽ gây nhiều khó khăn cho tỷ phú Donald Trump trong giai đoạn chạy đua nước rút này, nhất là khi khoảng cách giữa ông Trump với bà Hillary Clinton đang ngày càng nới rộng. 

Đánh mất “át chủ bài”

Sóng gió đến với ông Paul Manafort khi tờ Thời báo New York hôm 14/8 tiết lộ các nhà điều tra Ukraine đã tìm thấy tên của ông Manafort trong các giao dịch bí mật, các sổ sách kế toán viết tay. Những giấy tờ này ghi lại các khoản tiền trả bí mật, bao gồm 12,7 triệu USD trả cho ông Manafort.

Thông tin này phù hợp với hoạt động của ông Manafort trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2012 với tư cách cố vấn cho chính đảng của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Dù lên tiếng bác bỏ thông tin này, song ông Manafort không tránh khỏi bị “điều tra kép” - từ phía Ukraine và Mỹ.  

Trong khi Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Ukraine đang điều tra xem ông Manafort có nhận tiền phi pháp của chính quyền Yanukovych hay không, Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang Mỹ cũng mở một cuộc điều tra tương tự.

Cuộc điều tra phía Mỹ có phạm vi rộng, không chỉ tập trung vào cáo buộc đối với ông Manafort mà còn tập trung xem xét liệu các công ty và hệ thống tài chính Mỹ có hỗ trợ hoạt động tham nhũng liên quan đến cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych hay không. Ông Manafort đã không thể chống chọi trước áp lực và quyết định từ chức Chủ tịch Ban vận động tranh cử của tỷ phú Donald Trump. 

Ông Manafort từ chức sau hơn 4 tháng kề vai sát cánh với ông Donald Trump (ABC News).
Ông Manafort từ chức sau hơn 4 tháng kề vai sát cánh với ông Donald Trump. Ảnh: ABC News.

Sự ra đi của ông Paul Manafort là một tổn thất lớn trong bộ máy tranh cử của ông Donald Trump, bởi ông vẫn luôn được trông đợi là quân “át chủ bài” có thể giúp ông Trump vực dậy tỷ lệ ủng hộ “bết bát” trong thời gian gần đây. 67 tuổi, có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vận động tranh cử, ông Manafort được ông Trump đặt rất nhiều niềm tin khi đưa ông vào vị trí người đứng đầu chiến dịch vận động tranh cử từ ngày 7/4.

Đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ông Gerald Ford trở thành ứng viên duy nhất của Đảng Cộng hòa ra tranh cử rồi sau đó đắc cử vị trí Tổng thống hồi năm 1974, trợ lý đắc lực cho ông Ronald Reagan và George Bush, giúp họ trở thành ông chủ Nhà Trắng – đó là những thành tích quá ấn tượng của Paul Manafort. Và không có lý do gì để không hy vọng ông có thể lặp lại thành tích đó với Donald Trump. Thế nhưng, mọi chuyện đều dang dở với bê bối “nhận tiền bẩn” của Ukraine: Paul Manafort ra đi, để lại Donald Trump bị kẹt trong tình thế bị đối thủ Hillary Clinton của Đảng Dân chủ vượt lên với khoảng cách khá xa. 

Chặng cuối khó khăn của Donald Trump

Việc ông Paul Manafort từ chức đánh dấu lần thứ hai tỷ phú Donald Trump mất cố vấn cấp cao trong bộ máy tranh cử, sau ông Corey Lewandowski - một quản lý chiến dịch tranh cử khác bị  sa thải hồi tháng 6. Trong đợt cải tổ mới đây, ông Donald Trump đã đưa Stephen Bannon - chủ tịch trang tin Breitbart là người điều hành chiến dịch tranh cử và ông Kellyyanne Conway - nhà thăm dò dư luận lâu năm của Đảng Cộng hòa vào vị trí quản lý chiến dịch.

Dù ông Trump hết lời ca ngợi "Họ là những người rất có năng lực, hội đủ điều kiện, rất thích giành chiến thắng và biết làm thế nào để giành chiến thắng", song giới phân tích cho rằng không ai có thể “qua mặt” được Paul Manafort. Trong thời điểm bà Hillary Clinton đang dẫn trước ông Donald Trump gần 5% tỷ lệ ủng hộ, Manafort được đánh giá là người duy nhất có thể mang lại thay đổi quan trọng cho chiến dịch tranh cử vốn gây nhiều tranh cãi của Donald Trump, bằng cách đem lại cho chiến dịch những yếu tố như tính kỷ luật, tính chuyên nghiệp. Lời xin lỗi mới đây của ông Donald Trump về những phát biểu có thể “gây ra những nỗi đau cá nhân” có thể là những bước đầu tiên cho sự thay đổi đó.

Dù vậy, trong bối cảnh có quá nhiều lùm xùm quanh nghi án nhận tiền tham nhũng của ông Manafort, việc ông Donald Trump chấp nhận lá đơn từ chức của ông Manafort được đánh giá là một lựa chọn khôn ngoan. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là ông Trump cần phải hoạch định những đối sách thích hợp để ứng phó với một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong chiến dịch tranh cử của mình.

Ông Donald Trump sẽ gặp nhiều khó khăn khi bà Hillary Clinton đang vượt lên dẫn điểm (Foxnews).
Ông Donald Trump sẽ gặp nhiều khó khăn khi bà Hillary Clinton đang vượt lên dẫn điểm. Ảnh: Foxnews

Tất nhiên, đội ngũ tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton không bỏ qua cơ hội này để công kích ông Donald Trump. “Ông có thể rũ bỏ Manafort, nhưng sẽ không chấm dứt được mối quan hệ kỳ quặc với ngài Putin” - ông Robby Mook, người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton tuyên bố. 

Theo các nhà phân tích, sự ra đi của ông Manafort không đơn giản để lại khoảng trống của người đứng đầu, mà có thể khiến nhiều người thân tín khác trong bộ máy tranh cử cũng từ chức. Ngoài ra, việc ông Manafort có dính líu tới một nhân vật thân Nga như ông Yanukovych là đòn giáng mạnh vào chiến dịch tranh cử vốn luôn nhấn mạnh tới chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc và niềm tự hào nước Mỹ của ông Donald Trump, nhất là khi tại Mỹ đã từng rộ lên thông tin về mối quan hệ nhiều nghi vấn giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo ông Richard Foley, cựu Chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Connecticut, ông Manafort và ông Trump có mối quan hệ rất tốt. Vì vậy, dù không còn là chủ tịch ban vận động tranh cử cho ông Trump, ông Manafort sẽ vẫn là một đối tác lý tưởng của ông Trump trong các phi vụ kinh doanh kiếm bộn tiền.

Nhưng có lẽ, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là diễn ra vòng bầu cử Tổng thống cuối cùng, khi bà Hillary Clinton đang ngày càng dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận, tiền không phải là mục tiêu với một tỷ phú luôn tự hào “Tôi là người rất giàu” như ông Donald Trump.

Bởi vậy, chưa biết ông Manafort có thể “thoát thân” sau các cuộc điều tra của Mỹ và Ukraine hay không, nhưng chắc chắn ông đã để lại cho đối tác Donald Trump những khó khăn chồng chất trong chặng đua cuối. 

Thúy Ngọc

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.