Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Vì đâu nên nỗi?

(Baonghean) - Dù đảo chính không có gì xa lạ trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ song vụ chính biến hôm 16/7 vẫn diễn ra đầy bất ngờ. Vì vậy, dù đã nhanh chóng được dập tắt song đó vẫn là một thảm kịch và sự việc đang đặt ra nhiều hoài nghi về những toan tính thực sự của những kẻ chủ mưu gây nên đảo chính.

Những kẻ bất mãn

Chưa đầy 24 giờ kể từ khi một nhóm thiểu số trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện âm mưu đảo chính, những kẻ được cho là cầm đầu cuộc binh biến và hàng trăm thành viên khác đã bị bắt giữ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã chỉ đích danh ông Fethullah Gulen (hiện đang định cư tại Mỹ) là thủ phạm đứng sau cuộc “nổi loạn” này và gọi phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố.

Tuần hành ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Istanbul, hôm 16/7 (Ảnh: Reuters)
Tuần hành ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Istanbul, hôm 16/7 (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, ông Gulen đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và phủ nhận những cáo buộc dính líu đến âm mưu này. Theo một số chuyên gia, rất có thể là phong trào Gulen không có liên quan đến âm mưu đảo chính này, bởi những người ủng hộ vị giáo sĩ này ở Thổ Nhĩ Kỳ rất đông, nếu hành động này là của họ thì rất có thể nó đã có thêm sự ủng hộ.

Cho đến nay, cách lý giải hợp lý nhất cho động cơ của cuộc đảo chính là “bất mãn”. Sự bất mãn giữa quân đội và chính quyền không phải chuyện “ngày một ngày hai” ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội nước này vốn nắm quyền lực khá lớn, lại được hiến pháp cho phép can thiệp vào nội tình đất nước khi có khủng hoảng. Tổng thống lập quốc của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1923 là Mustafa Kemal Ataturk, cũng là một vị tướng đã tạo nên chủ nghĩa dân tộc dân chủ và thế tục. Tuy vậy, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước trong vai trò Thủ tướng vào năm 2002, ông Erdogan đã có nhiều hành động quyết liệt, nhiều lần dẹp tan sức ép từ phe quân đội.

Điển hình là quá trình "thanh lọc" những nhân vật trong ban lãnh đạo lực lượng vũ trang thời trước, ông Erdogan đã bắt giữ và kết án hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể, ông Erdogan từng bị chỉ trích là lái đất nước theo hướng Hồi giáo hóa, thâu tóm quyền hành mà đưa ra nhiều chính sách đối nội lẫn đối ngoại gây bất ổn an ninh quốc gia.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi cuộc đảo chính là “món quà từ Thượng đế”. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi cuộc đảo chính là “món quà từ Thượng đế”. (Ảnh: Reuters)

Gần đây, ông Erdogan chủ trương xích lại với Mỹ và Nga, tăng cường chiến dịch tấn công IS, khiến làn sóng đánh bom tự sát của IS để trả thù nhắm vào lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải căng mình ra để bảo vệ đường biên giới đầy những mối đe dọa đến từ các phần tử cực đoan mà trước đây họ đã cho qua.

Đó có thể là lý do khiến một bộ phận trong quân đội coi Tổng thống đương nhiệm là một “mối đe dọa”. Cần phải nhắc lại rằng, những người âm mưu đảo chính chỉ là một nhóm thiểu số trong quân đội, không phải là toàn bộ. Và cuộc đảo chính của những người này đã không nhận được sự hậu thuẫn từ chính giới cũng như người dân.

Không thể phủ nhận uy tín của Tổng thống Erdogan ngày càng suy giảm nhưng không phải vì thế mà dân chúng ủng hộ một cuộc đảo chính. Họ đã quá thấm thía những thiệt hại sau những cuộc chính biến trong lịch sử. Vì thế lần này đảo chính nổ ra, chính người dân đã xuống đường ngăn chặn xe tăng quân đội. Trong khi đó, cảnh sát, lực lượng trung thành với Tổng thống Erdogan cũng sẵn sàng đối đầu với quân đội. Thế nên dù khá quy mô và được tính toán kỹ lưỡng nhưng đã nhanh chóng bị dập tắt.

“Mượn gió bẻ măng”

Đảo chính không thành nhưng theo nhiều nhà quan sát đây có thể là một lời cảnh báo với chính quyền của ông Erdogan và nếu ông không thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại thì các cuộc khủng hoảng tương tự sẽ diễn ra. Hành động quân sự đã xé toang sự ổn định nhất định của Thổ Nhĩ Kỳ, tái lập lại sự phân cực mà có thể dẫn tới sự bùng phát một cuộc nội chiến.

Điều này không phải vô căn cứ. Bởi sau cuộc đảo chính lần này, chắc chắn chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy mạnh hơn sự truy lùng những người chống đối. Rạng sáng 16-7, Tổng thống Erdogan nói cuộc đảo chính là “món quà từ thượng đế” vì nhờ đó, quân đội có thể được “dọn dẹp”. Cho đến nay, đã có hơn 2.800 quân nhân bị bắt và 2.745 thẩm phán bị cách chức.

 Giáo sĩ Fethullah Gulen bị cáo buộc là thủ phạm đứng sau cuộc đảo chính hôm 15/7 (Ảnh AP)
Giáo sĩ Fethullah Gulen bị cáo buộc là thủ phạm đứng sau cuộc đảo chính hôm 15/7 (Ảnh AP)

Theo giới quan sát, một cuộc “thanh lọc” mới có thể bắt đầu theo chiêu “mượn gió bẻ măng”. Trong một phản ứng, Giáo sĩ Fethullah Gulen, vốn bị Tổng thống Erdogan cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính, cho rằng chính biến vừa qua có thể được chính phủ “tổ chức” với mục tiêu để chống lại ông. Chưa rõ thực hư ra sao nhưng một cuộc “thanh lọc” trong hàng ngũ quân đội có thể tái diễn cảnh bạo lực đáp trả bạo lực, đồng nghĩa với việc chất chồng thêm căm phẫn, phân hoá. Vòng xoáy mâu thuẫn giữa chính quyền và giới chức quân sự vì thế chưa thể dừng lại.

Điều này sẽ là mối nguy đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi quốc gia này đang phải đối mặt với những đe dọa từ “thù trong, giặc ngoài”. Bên trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ đang chống chọi với nguy cơ nổi dậy từ Đảng công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức Ankara coi là khủng bố. Trong khi đó, ở bên ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang là nạn nhân của hàng loại vụ tấn công thực hiện bởi bàn tay của IS. Trước những vấn đề an ninh chồng chéo, có lẽ việc cần làm ngay là làm thế nào để ổn định chính trường và nội bộ giới cầm quyền.

Bất cứ một sự bất ổn nào hơn nữa với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này cũng có thể đẩy cả khu vực “ngã ba” Trung Đông, châu Âu và châu Á vào những hiểm họa an ninh khó lường. Đất nước 75 triệu dân này đóng vai trò ổn định tình hình tại Đông Nam Âu và Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ Á - Âu, có lực lượng quân đội lớn thứ nhì trong NATO, sau Mỹ. Hiện NATO và Mỹ đặt nhiều trạm quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ, đáng kể có sân bay Incirlik - nơi Mỹ dùng để xuất kích các máy bay chiến đấu và không người lái để đánh bom IS tại Syria. Châu Âu cũng dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ như một bức tường chắn dòng người di cư đổ vào châu lục này. Vì thế, ổn định và an toàn, hơn lúc nào hết là điều cần thiết cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ./.

Thanh Huyền

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.