Thế giới 2015: Những mảnh ghép không hoàn hảo!

(Baonghean) - Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài phỏng vấn PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an để cùng nhìn lại những sự kiện lớn của thế giới năm 2015 và đưa ra những dự báo về tình hình toàn cầu trong năm mới 2016.
P.V: Thưa Thiếu tướng, các hãng truyền thông đã đánh giá tình hình thế giới năm 2015 trên nhiều bình diện khác nhau. Vậy theo Thiếu tướng, chúng ta có thể nhìn nhận tình hình thế giới theo cách nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, nếu cần một đánh giá toàn cảnh cho năm 2015, thì cách tiếp cận hợp lý nhất vẫn là tiếp cận từ 3 mảng gồm kinh tế, chính trị - an ninh và xã hội, môi trường. Nền kinh tế thế giới năm 2015 vốn được kiến tạo từ 2 mảnh ghép: mảnh ghép trung tâm mà quan trọng nhất là Mỹ, Nhật Bản và EU và mảnh thứ 2 là kinh tế của 5 nước mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS).
Kinh tế Nhật đang ngày càng đi xuống. Ảnh: Bloomberg.
Kinh tế Nhật đang ngày càng đi xuống. Ảnh: Bloomberg.
Năm 2015 đánh dấu sự phát triển ổn định của nền kinh tế Mỹ với các bước đi của một chu kỳ phát triển mới. Đặc biệt, vào những ngày cuối cùng của năm 2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất lên 0,25% - đây là hàn thử biểu phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ. Sự đi lên của nền kinh tế số 1 thế giới này còn được thể hiện ở con số thất nghiệp thấp nhất và sự ổn định của các ngành công nghiệp, dịch vụ. 
Năm 2015 được coi là năm trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản, và đó cũng là tình trạng chung của 28 nước châu Âu ngoại trừ Anh và Đức. Điều tồi tệ hơn có một bộ phận nằm bên bờ vực sụp đổ như Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Còn 5 nước mới nổi, duy nhất chỉ có Ấn Độ tạo bước phát triển ngoạn mục trong năm 2015 gắn với vai trò của Thủ tướng Narenda Modi.
Với Trung Quốc, năm qua được coi là một năm cực kỳ khó khăn, khi đất nước đông dân nhất thế giới đang phải loay hoay với sự lên xuống của đồng Nhân dân tệ với mức tăng trưởng chỉ đạt 7%, thấp nhất trong 3 thập kỷ qua. Hai nền kinh tế lớn Nga và Brazil rơi vào suy thoái, đặc biệt dưới sự bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Năm 2015 ghi dấu 3 sự kiện kinh tế nổi bật, đánh dấu trong lịch sử kinh tế thế giới. Thứ nhất, sự kiện ngày 5/10, 12 nước vòng quanh châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP); sự kiện thứ 2 là 30/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết định đưa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ các đồng tiền có quyền rút vốn đặc biệt. Và thứ 3 là vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2015, FED quyết định nâng lãi suất lên 0,25% sau 8 năm 4 tháng đóng băng. Chính 3 sự kiện đó sẽ bắt đầu tác động đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, kể cả 2 chiều thuận và nghịch.
P.V: Cục diện chính trị - an ninh thế giới về cơ bản phụ thuộc vào sự vận động của cả hai mối quan hệ Mỹ - Nga và Mỹ - Trung tạo nên. Thiếu tướng có thể nói rõ về sự phát triển mới trong năm 2015 của 2 mối quan hệ trên?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nói về tình hình an ninh - chính trị toàn cầu, xét đến cùng, nửa Trái đất chúng ta chịu quan hệ Mỹ - Nga chi phối. Quan hệ này nồng ấm hay lạnh nhạt ảnh hưởng đến cả châu Âu và Đại Tây Dương, còn nửa châu Á - Thái Bình Dương, sẽ phụ thuộc vào sự thăng giáng của quan hệ Mỹ - Trung.
Quan hệ Mỹ - Nga năm 2014 xuống đến đáy, sau sự kiện tháng 3/2014, Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và các đồng minh phương Tây bao vây cấm vận, trừng phạt Nga. Năm 2015, nhất là về cuối năm, quan hệ Mỹ - Nga đã có chiều hướng thay đổi mạnh mẽ so với 2014.
Có 2 sự kiện đặc biệt quan trọng tác động quan hệ Mỹ - Nga năm 2015, đó là cuộc khủng hoảng Ucraine và việc Nga tiến hành không kích IS ngày 30/9. Việc Nga bắt tay vào không kích đã đặt Mỹ vào tình huống chính trị cực kỳ khó khăn, bị động về chiến lược, chính sách và chiến thuật đối phó, sau 4 năm 10 tháng, chính quyền Obama kiên quyết với các đồng minh phương Tây loại bỏ vai trò của Tổng thống Bashar al - Assad. 
Ngược lại quan hệ Mỹ - Trung năm 2015 căng thẳng hơn năm 2014, thể hiện 2 sự kiện lớn. Một là chuyến thăm Mỹ không thuận lợi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ 22 đến 25/9, bởi cả chính giới và dư luận xã hội Mỹ cho rằng tin tặc Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn đã đánh cắp các bí mật kinh doanh của các tập đoàn kinh tế của Mỹ, bí mật quân sự về tàu ngầm ít tiếng ồn, bí mật máy bay tàng hình và hệ thống phòng thủ tên lửa vũ khí.
Điều thứ 2, dư luận Mỹ cho rằng Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh khi dìm giá đồng Nhân dân tệ để làm lợi cho nền kinh tế Trung Quốc, gây hại cho các nền kinh tế khác. Đặc biệt, Mỹ phản đối các hoạt động của Trung Quốc cải tạo đá chìm ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo làm thay đổi hiện trạng Biển Đông.
P.V: Năm 2015, tình hình chính trị - an ninh thế giới còn được tạo nên bởi các cuộc tranh chấp, điểm nóng khu vực. Vậy, Thiếu tướng có thể khái quát tình hình các điểm nóng khu vực trong năm qua?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ở tầm khu vực, năm 2015, loang lổ cả các điểm sáng, tối đan xen. Có 2 điểm sáng đó là sau 54 năm, trải qua 9 đời Tổng thống đối đầu, tháng 9/2015, Mỹ và Cuba đã bình thường hóa quan hệ. Với sự kiện này, Obama đã ghi một dấu son vào lịch sử nước Mỹ.
Điểm sáng thứ 2 là thỏa thuận giữa nhóm P5+1 với Iran Đây là một bước tiến lịch sử không chỉ trong vấn đề hạt nhân Iran, mà còn trong cả lịch sử ngoại giao thế giới và lịch sử quan hệ giữa thế giới Hồi giáo với thế giới phương Tây.
P.V: Có thể nói, năm 2015, bóng ma chủ nghĩa khủng bố đã bao trùm thế giới. Thiếu tướng có thể làm rõ điểm nổi bật của hoạt động khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố năm 2015?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm 2015, các hành động khủng bố xảy ra khá tàn bạo và quyết liệt. Hoạt động khủng bố không còn đóng khung ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi nữa mà đã vào tận trung tâm châu Âu. Tại trung tâm Paris hoa lệ, vào tháng Giêng năm 2015, vụ đánh bom tòa soạn Charlie Hebdo làm chấn động cả thế giới. Ngày 13/11 vừa rồi, 8 vụ tấn công liên hoàn làm 130 người chết ngay giữa Thủ đô Paris, rồi máy bay Nga bị IS bắn rơi tại Ai Cập làm 224 người chết. Các vụ khủng bố lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Afghanistan, Syria, đặc biệt ở Libya và Yemen cũng gánh chịu hậu quả lớn. Các vụ khủng bố năm 2015 có thể nói là đẫm máu nhất từ trước đến nay. 
P.V: Các vấn đề văn hóa - xã hội và môi trường cũng góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh thế giới. Vậy theo Thiếu tướng, đâu là những điểm nổi bật về văn hóa - xã hội và môi trường năm 2015?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong năm 2015, các nhà viết sử thế giới chắc chắn phải tô đậm 2 sự kiện trong lĩnh vực xã hội, môi trường thế giới. Đó là cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mà chủ yếu là người Iraq và Syria và một số nước Trung Đông, Bắc Phi. Chính hàng triệu người tràn vào châu Âu làm cho nền kinh tế châu Âu đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là hàng trăm nghìn người vào châu Âu để tránh xung đột đã làm khoét sâu hơn mâu thuẫn trong lòng châu Âu. Bởi bản thân châu Âu cũng bao gồm 2 mảnh ghép là châu Âu cũ và châu Âu mới. Châu Âu cũ là những nước nòng cốt như Pháp, Đức, Anh và Italy, Tây Ban Nha... 
Các nước châu Âu cũ nổi lên có Pháp và Đức. Pháp mặc dù bị khủng bố đẫm máu ngày 13/11, nhưng vẫn đón người di cư. Nước Đức tích cực hơn với việc không chỉ sẵn sàng mở cửa đón người di cư mà còn tạo điều kiện cho họ tá túc, và từng bước một huấn luyện đào tạo họ thành nguồn lao động. Đối lập lại là mảng châu Âu mới gồm các nước mới gia nhập châu Âu như Ba Lan, Hungary, Romania, Cộng hòa Czech có thái độ hoàn toàn ngược lại. 
 Kết thúc hiệp định Paris về khí hậu với sự chấp thuận của 195 quốc gia. Ảnh: Le Monde
Kết thúc hiệp định Paris về khí hậu với sự chấp thuận của 195 quốc gia. Ảnh: Le Monde
Nếu như khủng hoảng người di cư là điểm tối, thì COP21 lại là điểm sáng của thế giới. 195 quốc gia mất cả hơn tuần lễ ngồi với nhau để bàn thảo phương án đối phó với thảm họa chung của nhân loại là biến đổi khí hậu. Sau hơn 10 ngày đối thoại căng thẳng, các quốc gia đã có nhận thức thống nhất, đó là môi trường thế giới đang bị biến đổi là thảm họa hiển hiện trước mắt và nước biển dâng lên. Tôi cho rằng, COP21 đã ra được một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tạc vào lịch sử văn minh nhân loại. 
Đến thời điểm này, loài người đã thức tỉnh, cho dù ý thức chính trị khác nhau, cho dù còn mâu thuẫn nhau ở một số quan điểm, nhưng loài người đã bắt tay nhau để chống lại một thảm họa chung nhất, bao trùm nhất, đó là biến đổi khí hậu.
P.V: Sau những biến động của năm 2015, Thiếu tướng có những dự báo nào trong năm 2016 về tình hình thế giới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng, năm 2016, về lĩnh vực kinh tế, thế giới sẽ không có nhiều biến động. Bởi nền kinh tế Mỹ mới chỉ bắt đầu với chu kỳ phát triển mới, sẽ tạo động lực cho các nền kinh tế khác ổn định, trong đó có Việt Nam. Còn các trung tâm khác như Nhật Bản, EU sẽ không có nhiều thay đổi. Nền kinh tế của 5 nước mới nổi cũng sẽ không có gì đáng bàn bởi Nga vẫn chưa thể thoát khỏi suy thoái sâu. Kể cả nền kinh tế Trung Quốc cũng nằm trong tình trạng chưa thể có sự đột phá. Tôi cho rằng kinh tế thế giới năm 2016 chưa có điểm sáng, thậm chí cảnh giác có thể có những điểm xấu hơn 2015.
Về mặt chính trị và an ninh, theo quan điểm của tôi, ở tầm toàn cầu, mối quan hệ Nga - Mỹ cũng không được cải thiện cơ bản. Ở cánh châu Á - Thái Bình Dương thì năm 2016 là năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, nên vị Tổng thống này sẽ dồn sức tập trung cho nền kinh tế Hoa Kỳ ổn định và lo cho cuộc bầu cử Tổng thống 2016, nên chính quyền Obama sẽ đặt trọng tâm trong nước là chủ yếu. Về đối ngoại, Mỹ sẽ tập trung giải quyết mối quan hệ với Nga trong việc giải quyết xung đột Syria và hiện thực hóa thỏa thuận của nhóm P5+1 với Iran.
Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc sẽ hoàn chỉnh xây dựng căn cứ quân sự ở Trường Sa và xem đó là chuyện đã rồi. Hiện nay, Trung Quốc đã xây 7 đảo chìm thành đảo nổi với lập luận xây hải đăng, xây nơi tránh trú bão, nơi cứu hộ, cứu nạn và trung tâm y tế dịch vụ trên biển. Trung Quốc đưa ra lý do của những việc làm trên là vì mục đích nhân đạo, dân sự. Và Trung Quốc sẽ làm đúng điều đó, nhưng song song với đó, họ sẽ hoàn thành căn cứ quân sự bằng sân bay quân sự, cảng quân sự. Đối với các điểm nóng, tôi cho rằng sẽ giải quyết vấn đề Syria, P5+1.
Còn các khu vực Libya, Yemen đi vào quỹ đạo ổn định. Riêng về hoạt động chống khủng bố, tôi cho rằng, năm 2016 là năm mà 2 liên minh Hoa Kỳ và Nga sẽ tập trung dồn IS vào chân tường, buộc IS không có khả năng bành trướng như năm 2015, sẽ đẩy IS vào thế co cụm. Nhưng IS chưa bị đánh bại trong năm 2016, bởi khi bị dồn vào trong thế co cụm, IS sẽ phản công bằng cách đưa lính chiến ra để tổ chức nhiều vụ tấn công đẫm máu ở châu Âu và Nga. Có một dự báo đáng lo ngại là, trong năm 2016, có khả năng IS sẽ tiếp tục gây ra các vụ khủng bố như vụ ngày 13/11/2015 ở Paris.
P.V: Thưa Thiếu tướng, trong dòng chảy của thế giới, ông nhận định như thế nào về vị thế và sức vươn của Việt Nam trong năm 2016?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đối với Việt Nam, năm 2016 là năm tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong dự thảo văn kiện Đại hội XII đã đánh giá đầy đủ, khách quan cả về thành tựu và hạn chế, khuyết điểm. Trong 5 năm vừa rồi và sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, và đặc biệt là đối ngoại. Trong bối cảnh hiện nay, với việc tham gia nhiều tổ chức, ký kết nhiều hiệp định hợp tác, Việt Nam đã có vai trò vững chắc ở khu vực và Thái Bình Dương.
Tôi tin rằng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ truyền cảm hứng đến hơn 90 triệu người Việt Nam, hơn 4 triệu đảng viên để năm 2016 chúng ta có một tư duy mới, quyết tâm mới để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay. Đại hội này sẽ tạo ra bước ngoặt phát triển mới về tư duy để nhận thức về mình, về thế giới đúng đắn hơn. Những hoạt động thời gian qua đã khẳng định Việt Nam - dải đất hình chữ S đã tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, của quốc tế. Đó chính là kết quả của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!
An Nhân 
(Thực hiện)

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.