Lời kể của ngư dân Nghệ An may mắn sống sót trong vụ chìm tàu

Việt Hùng - Văn Trường

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Sau khi bị đắm tàu, rơi xuống biển, họ ôm tấm ván gỗ trôi trên biển, ăn cả bèo tây để cầm cự suốt 25 giờ liền.
Giây phút đoàn tụ với gia đình của thuyền viên Phạm Văn Hoàng ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng
Giây phút đoàn tụ với gia đình của thuyền viên Phạm Văn Hoàng ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng

Khi con tàu NA 93010 TS bị sóng đánh chìm trên vùng biển Quảng Bình, tất cả 7 ngư dân huyện Quỳnh Lưu trôi dạt ra biển; trong đó có 2 người mất tích, 1 người được tàu chở hàng đi qua cứu sống và 4 người còn lại đã được tàu biên phòng Quảng Trị cứu sống.


Chiều ngày 7/9, Đại diện Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Trị đã đưa các thuyền viên được cứu sống trên biển sau sự cố tàu bị sóng biển đánh chìm vào sáng ngày 5/9 về tới quê nhà, đồng thời làm lễ bàn giao cho chính quyền xã Sơn Hải và các gia đình.

Ngư dân Phạm Văn Hoàng kể lại giây phút sinh tử suốt 25 giờ lênh đênh trên biển. Ảnh: Việt Hùng

Ngư dân Phạm Văn Hoàng kể lại giây phút sinh tử suốt 25 giờ lênh đênh trên biển. Ảnh: Việt Hùng

Sau 25 giờ lênh đênh trên biển, đối mặt với “tử thần” và nhiều giờ di chuyển về nhà, khuôn mặt 4 ngư dân trên tàu cá NA 93010 TS vẫn thất thần khi nhớ lại mình đã đối mặt với cái chết trên biển trong những ngày qua.

Thuyền viên Phạm Văn Hoàng - một trong 4 ngư dân được tàu Quảng Trị cứu sống vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: Vào lúc 8 giờ sáng ngày 5/9, tàu cá bắt đầu xuất cảng Lạch Gianh (Quảng Bình) để về quê sau nhiều ngày tránh bão số 4 và áp thấp nhiệt đới tại đây. Khi tàu nổ máy chạy ra biển cách đất liền khoảng 2 hải lý (gần 4 km) thì gặp những cơn sóng dữ dội, gió lớn, nước xoáy ập vào như muốn nuốt chửng con thuyền bé nhỏ giữa biển khơi.

Niềm vui mừng khi các thuyền viên được cứu sống về đoàn tụ với người thân. Ảnh: Văn Trường

Niềm vui mừng khi các thuyền viên được cứu sống về đoàn tụ với người thân. Ảnh: Văn Trường

“Các thuyền viên chưa kịp mặc áo phao thì thuyền bị sóng biển đánh chìm, tất cả 7 ngư dân dạt ra biển mỗi người một nơi. Rất may, khi tàu chìm, những chiếc phao dù, nắp đậy thùng đá bằng xốp bung ra khỏi tàu nên các thuyền viên bơi đến để bám vào. Trong lúc hoạn nạn, trong số 7 thuyền viên trên tàu chỉ còn lại 5 người, 2 người vẫn đang mất tích”, ngư dân Phạm Văn Hoàng chia sẻ.

Khi 5 thuyền viên còn lại gồm Nguyễn Văn Thắng, Lê Văn Chiến, Phạm Văn Hoàng, Trần Văn Cường và Ngô Văn Xô cùng nhau ôm lấy chiếc phao và tấm xốp để cầm cự thì lúc này thuyền viên Thắng nhìn thấy từ xa có chiếc phao nên đã bơi ra để ôm. Anh Thắng sau đó bị sóng biển đẩy đi xa và may mắn được một tàu chở hàng đi qua cứu vớt.

Trong số 4 thuyền viên còn lại, Ngô Văn Xô (SN 2001) là người nhỏ tuổi nên khi cùng với 3 ngư dân ôm tấm xốp chống chọi với sóng biển, Xô vừa mệt, vừa đói nên đã ngất xỉu mấy lần; nhiều lúc định buông xuôi. Kể lại giây phút sinh tử trên biển, Xô cho biết: Lúc rơi xuống biển, em cũng như các thuyền viên khác chưa kịp ăn gì nên khi vật lộn với sóng biển nhiều giờ ai nấy cũng thấm mệt, đuối sức. Lúc này, hai hàm răng đều cứng đơ vì lạnh, đói và khát nữa nhưng may mắn có anh Hoàng là người lớn tuổi đỡ em lên tấm gỗ để hồi sức, sau đó mới tỉnh lại được.

Người dân làng biển đến chia vui khi các thuyền viên sống sót trở về. Ảnh: Văn Trường
Người dân làng biển đến chia vui khi các thuyền viên sống sót trở về. Ảnh: Văn Trường

“Cầm cự trên biển nhiều giờ, đói và rét khiến 4 ngư dân rụng rời chân tay, sợ răng đập trúng lưỡi nên 4 anh em vơ bèo tây trôi dạt trên biển để nhai cho đỡ khát. Trong đám bèo trôi dạt ra biển có 1 lốc sữa tươi 4 hộp đã hết hạn, vì đói quá nên anh em chia uống để cầm cự”, ngư dân Ngô Văn Xô kể lại giây phút sinh tử trên biển.

Từ khi tàu chìm lúc 9 giờ sáng ngày 5/9 thì đến 3 giờ sáng ngày hôm sau 6/9, thuyền viên Phạm Văn Hoàng phát hiện một số khúc gỗ bị nước lũ cuốn ra biển đã buông tay khỏi phao để bơi ra giữ lại kết làm bè. Lúc này quần áo, dây thun trên người các thuyền viên được cởi ra để cột từng khúc gỗ vào nhau rồi đặt tấm xốp lên trên. Các thuyền viên cứ thế tiếp tục bám trụ, hy vọng sẽ có tàu cứu hộ ra cứu.

“Dù tinh thần hoảng loạn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau, gắng bám vào phao. Có người bị ngất anh em vẫn nỗ lực giữ không bị chìm, giây phút sinh tử chúng tôi đoàn kết lắm”, thuyền viên Phạm Văn Hoàng cho biết.

Đến khoảng 9 giờ sáng ngày 6/7, sau 25 giờ vật lộn trên biển giữa sự sống và cái chết, 4 thuyền viên phát hiện từ xa có một tàu cứu hộ đang di chuyển. Do tàu cứu hộ không phát hiện, các thuyền viên đã cho Cường đứng lên chiếc bè, cầm áo vẫy gọi và hét to để ra tín hiệu. Khoảng 5 phút sau, tàu cứu hộ CN09 thuộc Đồn biên phòng Cồn Cỏ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã tới cứu vớt 4 ngư dân lên tàu và đưa về bờ. Vị trí cứu vớt ngư dân cách nơi tàu đắm khoảng 70 km.

Thuyền viên Trần Văn Cường cho biết: “Khi thấy tàu của Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị tới ứng cứu, mặc dù lúc đó gần như kiệt sức hết nhưng mọi người vẫn cố gắng ra tín hiệu kêu cứu. Thấy tàu cứu hộ đến, ai cũng vui mừng rồi òa khóc, mọi người được cứu sống về với gia đình”.

Niềm vui chưa trọn vẹn khi ngoài kia, 2 thuyền viên Trần Quang Thiện (53 tuổi) và Đậu Ngọc Cầm (67 tuổi) mất tích vẫn chưa tìm thấy. Ở quê nhà, người thân của các thuyền viên khóc ngất suốt những ngày qua. Để trấn an tinh thần, chính quyền địa phương xã Sơn Hải đã đến nhà thăm hỏi, động viên các gia đình. Đồng thời tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị triển khai tìm kiếm 2 ngư dân mất tích còn lại.

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.